Nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác an ninh biển

(VOV5) - Đại dương chiếm khoảng 2/3 diện tích trái đất và là nơi diễn ra nhiều hoạt động mang lại lợi ích cho các quốc gia. Vì vậy, sự hợp tác có trật tự, sự hiểu biết và chia sẻ giữa các quốc gia trong việc sử dụng biển, khai thác các nguồn lợi từ biển là rất cần thiết. Đẩy mạnh hợp tác nhằm đảm bảo an ninh biển, tạo môi trường ổn định để phát triển thịnh vượng là lợi ích và trách nhiệm chung của mỗi quốc gia ven biển cũng như các quốc gia có liên quan. Đã có nhiều cơ hội hợp tác được mở ra trong lĩnh vực này những ngày qua.
 

Nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác an ninh biển - ảnh 1
Hội thảo quốc tế về Phát triển và An ninh biển - hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu.


Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có sự gia tăng cạnh tranh chiến lược của nhiều quốc gia, biển đang trở thành môi trường có nhiều sự ganh đua để giành ưu thế. Trước thực tế Biển Đông và Biển Hoa Đông thời gian gần đây luôn có những diễn biến căng thẳng, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế, việc nhanh chóng tìm ra cơ chế hợp tác để giảm thiểu xung đột, hợp tác cùng có lợi là tất yếu.

 

An ninh biển: mối quan tâm chung hàng đầu 

Hơn 180 đại biểu đến từ các quốc gia Châu Á và Châu Âu thảo luận về vấn đề an ninh biển trong khuôn khổ hội thảo “An ninh và phát triển biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á-Âu” diễn ra tại thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam hồi tuần trước, đã cho thấy mức độ quan tâm ngày càng tăng của các quốc gia trong và ngoài khu vực trước yêu cầu cấp bách cần có một môi trường biển an ninh hòa bình, ổn định.

 

Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu thuộc nhiều quốc gia Châu Á, Châu Âu đã thảo luận nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề an ninh biển truyền thống, phi truyền thống, khẳng định sự hợp tác là tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có sự gia tăng cạnh tranh chiến lược của nhiều quốc gia. Không một quốc gia có liên quan nào đứng ngoài những nỗ lực chung đó, hoặc đi ngược lại trật tự quốc tế đã quy định. Tiến sỹ Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định:

 “An ninh biển ngày càng quan trọng, ngày càng bức thiết. Trong lúc an ninh biển ngày càng bức thiết, thì nguy cơ xung đột, từ những điểm nóng tiềm ẩn trên không gian biển ngày càng  lớn hơn, làm giảm đi, đe dọa những nỗ lực hợp tác và lòng tin giữa các dân tộc trong vấn đề bảo vệ an ninh biển và không gian biển như hiện nay”.

 

Cũng tại Hội thảo này, ý kiến của các chuyên gia, giáo sư hàng đầu hai châu lục đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Nhiều ý kiến cho rằng các nước Châu Á có thể học kinh nghiệm về cơ chế an ninh tập thể đang được áp dụng hiệu quả tại Châu Âu. Việc tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu là cách thức hữu hiệu nhất nhằm chống lại những hành động gây tổn hại an ninh biển, đảm bảo an toàn cho những người đi biển. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đối mặt nhiều vấn đề an ninh biển như khủng bố, cướp biển và các hoạt động bạo lực khác. Vì vậy, việc các quốc gia này xây dựng một hệ thống thông tin tích hợp là hết sức cần thiết cho an ninh và an toàn của các tuyến đường di chuyển của các tàu thuyền thương mại trên biển. Liên quan vấn đề đánh bắt cá trái phép, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đây là vấn đề lớn, đe dọa an ninh biển tại Châu Á hiện nay. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là mâu thuẫn về yêu sách lãnh thổ trong thời gian dài dẫn đến một thực tế là một số quốc gia sử dụng hoạt động đánh bắt cá để củng cố yêu sách của mình. Để giải quyết tình trạng này cần có một cơ chế hợp tác đa phương rộng rãi hơn nữa cùng với quyết tâm chính trị cao mới có thể tạo ra sự chuyển biến trong vấn đề này. Tiến sỹ Felix Heiduk, chuyên gia Viện các vấn đề an ninh quốc tế Đức, cho rằng: “Tôi cho rằng để thoát ra khỏi tình trạng không có khuôn khổ, chúng ta cần phải tìm ra khuôn khổ mới cho xung đột, tránh xa khỏi sự cạnh tranh, các yêu sách chủ quyền để hướng tới hợp tác thông qua việc tìm kiếm các lĩnh vực thay thế, chẳng hạn như việc cùng hợp tác để khai thác tài nguyên, mà cụ thể là cùng đánh bắt cá bởi cá là nguồn tài nguyên biển đang bị đe dọa khi đang bị đánh bắt quá mức ở Biển Đông”.

 

Đẩy mạnh xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa 

Vấn đề giảm thiểu xung đột, hợp tác ở Biển Đông một lần nữa cũng là chủ đề chính tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Trung Quốc vừa diễn ra ngày 14/6 tại Vân Nam, Trung Quốc. Các bên thể hiện quyết tâm chính trị cao để bảo đảm hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Hai bên nhất trí đẩy mạnh triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.

 

Có thể thấy, trong bất cứ quan hệ hợp tác nào, hoặc là ở bất vùng biển nào thì việc đảm bảo thực thi pháp luật quốc tế luôn là yếu tố cốt lõi. Rõ ràng, các quốc gia ven biển và các quốc gia trong khu vực có liên quan đang đứng trước những cơ hội hợp tác để thúc đẩy hợp tác an ninh biển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác