(VOV5) -Sau 10 năm, những quan điểm lớn trong Cương lĩnh được Đại hội 11 của Đảng cộng sản Việt Nam thông qua là những tổng kết có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn.
Tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 diễn ra sáng nay (16/5), theo dự kiến chương trình, Ban chấp hành Trung ương sẽ nghe báo cáo và thảo luận Đề cương báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011).
Theo đánh giá, việc thực hiện Cương lĩnh 2011 đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế xã hội và tạo niềm tin trong nhân dân.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN |
Thành tựu đáng ghi nhận sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đó là phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nỗ lực triển khai nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Quan điểm Cương lĩnh năm 2011 nêu rõ: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược”. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế có bước biến chuyển tích cực. GDP năm 2018 tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây. Các cân đối vĩ mô được giữ, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước có bước tiến, xử lý những vấn đề ngân hàng, nợ công, nợ xấu, đời sống nhân dân ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, hội nhập quốc tế cũng tiếp tục đẩy mạnh. Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, năm 2018 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 40 tỷ đô la Mỹ.
Tiến sỹ Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đánh giá: “10 năm qua thực hiện Cương lĩnh của Đảng, trong lĩnh vực nông nghiệp nông dân nông thôn chúng ta có Nghị quyết Trung ương 7 có tác động lớn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Đặc biệt là có sự thay đổi lớn trong đời sống của nông dân ở mọi vùng quê, mọi miền của đất nước, nâng cao đời sống nông dân. Tỷ lệ đói nghèo giảm xuống đáng kể và rõ rệt Liên Hợp Quốc đã ghi nhận thành tích giảm đói nghèo của đất nước Việt Nam”.
Trong 10 năm qua, đặc biệt là từ Đại hội 12 của Đảng đến nay, thể chế, chính sách của Việt Nam được hoàn thiện, hệ thống chính trị vận hành tích cực gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong bộ máy nhà nước. Quốc hội khóa 13, 14 đã cụ thể hóa những chủ trương chính sách trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11, 12 thành các nhiệm vụ chiến lược như: Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; Nghị quyết về kế hoạch tài chính; Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế….
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN |
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy Ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khẳng định: “Tất cả các quyết sách lớn ấy đều thể hiện tinh thần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần vào cuộc sống, thể hiện rõ quan hệ về kinh tế, chính trị, dân sự, khoa học kỹ thuật…vv. Từ kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12 đến nay, cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ tư pháp trung ương, cả hệ thống đã vào cuộc và đang từng bước thể chế Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.”
Nhân dân luôn ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”. Đây là khát vọng của nhân dân, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng. Nhân dân luôn đoàn kết, cần cù lao động và sáng tạo, luôn ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Dung, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: V6 TSCT 16/05 DUNG
“Sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh của Đảng thì phải khẳng định có tiến bộ nhất định. Chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp và quy định rõ 2 hình thức Dân chủ trực tiếp và Dân chủ đại diện. Dân chủ trực tiếp với trưng cầu dân ý chúng ta đã thông qua. Dân chủ đại diện, lần đầu tiên trong Hiến pháp, pháp luật đã quy định rõ mục tiêu bảo vệ nhân quyền và bảo vệ chế độ. Việc phân công phân nhiệm giữa các cơ quan nhà nước rõ ràng hơn. Đó là điểm tốt để khẳng định nhà nước thực hiện mục tiêu của dân, do dân và vì dân”.
Một điểm đáng chú ý đó là: Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đề cập: ''Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: Sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự tha hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên''. Nhìn nhận rõ nguy cơ này, Đảng cộng sản Việt Nam quyết tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Sau 10 năm, những quan điểm lớn trong Cương lĩnh được Đại hội 11 của Đảng cộng sản Việt Nam thông qua là những tổng kết có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn. Cụ thể những quan điểm đó, đất nước đã có những những bước chuyển quan trọng trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…không những trong những chặng đường qua mà còn tiếp tục được nhận thức và phát triển để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam.