Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, ngày 17/7 thăm chính thức Singapore trong các ngày từ 17-19/7. Đây là một trong nhiều hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước trong năm 2023, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm (1/8/1973-1/8/2023) ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời làm sâu sắc, hiệu quả hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược, được hai nước nâng tầm kể từ năm 2013 đến nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Singapore tiếp tục phát triển mạnh mẽ, năng động. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đạt được nhiều kết quả thực chất. Điều này góp phần giữ vững đà phát triển quan hệ, cũng như định hướng hợp tác trên các lĩnh vực.
Điểm sáng hợp tác kinh tế
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore với nhiều thành tựu đạt được là điểm sáng tiêu biểu tại khu vực Đông Nam Á. Về thương mại, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2022 đạt hơn 9 tỷ USD, tăng 10,1% so năm 2021. Tính đến tháng 12/2022, Singapore duy trì vị trí dẫn đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đứng thứ hai trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore có 3.095 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 70,8 tỷ USD, tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.Trong khi đó, Việt Nam có 140 dự án đầu tư sang Singapore với tổng vốn đăng ký hơn 586 triệu USD, tập trung các lĩnh vực khoa học công nghệ, bán buôn bán lẻ, thông tin truyền thông, bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế thành công giữa hai nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam. Hiện, có 12 VSIP tại 9 tỉnh, thành của Việt Nam, thu hút được 17,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư, tạo việc làm cho gần 300.000 lao động trực tiếp.Trong chuyến thăm Singapore tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Mô hình phát triển khu công nghiệp VSIP là hình mẫu về hợp tác đầu tư giữa hai nước mà chúng ta phải nhân rộng ra. Sự phát triển tốt đẹp này là nền tảng, là cơ sở để các nhà đầu tư tiếp tục phát huy vì lợi ích của mỗi quốc gia và vì lợi ích chung của hai nước trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro thì chia sẻ”.
Hiện Việt Nam và Singapore đều là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trên cơ sở nhận thức chung về tính bổ trợ của hai nền kinh tế, hai bên thúc đẩy các hiệp định thương mại mà Việt Nam và Singapore cùng tham gia nhằm tăng cường hợp tác, đóng góp vào quá trình hồi phục kinh tế của mỗi nước, cũng như của khu vực.
Tăng cường nhiều lĩnh vực hợp tác
Cùng với thương mại, đầu tư, hợp tác về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cũng là điểm nhấn trong quan hệ giữa Việt Nam và Singapore. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Singapore tháng 2/2023, chia sẻ: “Thông qua chương trình hợp tác này, rất nhiều học sinh đã biết về đất nước Singapore và có rất nhiều em học sinh đã được học bổng du học của Singapore. Hy vọng là Bộ Giáo dục Đào tạo hai nước sẽ đẩy nhanh hơn việc ký kết Hiệp định hợp tác mới, thay thế cho Hiệp định hợp tác năm 2017, Như vậy thì chúng ta sẽ mở rộng hợp tác trong giáo dục, chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đổi mới cơ chế quản lý, quản trị nhà trường và phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận phẩm chất năng lực của học sinh”.
Về quốc phòng-an ninh, Việt Nam và Singapore duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế đối thoại và hợp tác thường niên hiện có. Hợp tác trên các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, giáo dục-đào tạo, môi trường giữa hai nước tiếp tục được tăng cường. Trong năm 2022, Việt Nam đón hơn 134.000 lượt khách Singapore, trong khi Singapore đón hơn 285.000 lượt khách Việt Nam. Điều này tạo điều kiện khôi phục ngành du lịch của hai nước, đóng góp vào tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Hiện,Việt Nam và Singapore phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)…, cũng như trong các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai bên cũng nỗ lực tận dụng lợi ích của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà hai bên cùng tham gia để đóng góp hiệu quả vào quá trình hồi phục kinh tế của khu vực sau đại dịch.
Mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa Việt Nam - Singapore
Trong quá trình liên tục phát triển, Singapore luôn tìm tòi những hướng đi, cách làm mới để gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; sớm gắn nền kinh tế với khu vực và thế giới, tạo thêm những cơ hội cho mình. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng với sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, sự hiểu biết, tương đồng về văn hoá giữa nhân dân hai nước đã tạo ra sự trùng hợp về lợi ích phát triển quan hệ kết nối, hợp tác bền vững giữa hai bên, là cơ sở vững chắc tạo ra những cơ hội mới để tiếp tục mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác cùng có lợi trên những lĩnh vực, như: Năng lượng tái tạo, an ninh mạng, môi trường, giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng của thời đại công nghiệp 4.0 như kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh...
Kết nối và hợp tác để cùng phát triển là đòi hỏi và nhu cầu của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore ngày nay. Chuyến thăm chính thức Singapore của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược đang phát triển năng động, mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Singapore.