Nước Anh tìm cơ hội ở phía Đông

(VOV5)- Chuyến thăm, ngoài mục đích thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với các nước khu vực Đông Nam Á, Anh còn mong muốn tìm kiếm hợp tác trên những lĩnh vực khác như chống khủng bố, hàng hải, hàng không


Thủ tướng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland David Cameron đang có chuyến công du 4 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Singapore. Đây là chuyến công du đầu tiên ngoài khu vực châu Âu của ông D.Cameron kể từ khi tái đắc cử Thủ tướng Anh hồi tháng 5 vừa qua. Chuyến thăm, ngoài mục đích thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với các nước khu vực Đông Nam Á, Anh còn mong muốn tìm kiếm hợp tác trên những lĩnh vực khác như chống khủng bố, hàng hải, hàng không…

 
Xét về mọi chỉ số thì Đông Nam Á hiện là một đối tác thương mại và đầu tư quan trọng và nhiều tiềm năng hàng đầu thế giới. Thời gian gần đây, các nước lớn đều có những chính sách chiến lược rõ ràng chuyển trọng tâm sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của khu vực Đông Nam Á. Với Mỹ là “chính sách xoay trục”, Ấn Độ với chính sách “Hướng Đông”, Nga với chính sách “Ưu tiên khu vực”, còn EU là chính sách “Can dự sức mạnh mềm”. Vì vậy, chính phủ của Thủ tướng Anh D.Cameron cũng muốn chậm chân trong cuộc đua tìm kiếm những cơ hội hợp tác ở một trong những thị trường giầu tiềm năng này. 


Nước Anh tìm cơ hội ở phía Đông - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì trọng thể lễ đón Thủ tướng David Cameron sang thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Thành Chung

Mục tiêu kinh tế là quan trọng nhất

Hiện trao đổi thương mại giữa Anh với các nước khu vực Đông Nam Á mới chỉ ở mức khiêm tốn. Xuất khẩu của Anh sang khu vực này mới chỉ dừng ở mức khoảng 10 tỷ bảng Anh (tương đương khoảng 15 tỷ USD). Trong bối cảnh, nền kinh tế Châu Âu gần đây gặp quá nhiều vấn đề cần giải quyết, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mình, đã đến lúc Anh nhận ra rằng không thể chỉ tập trung vào việc hợp tác với các nước Châu Âu mà còn phải tìm kiếm các đối tác thương mại mới trên toàn thế giới. Chuyến đi 4 nước Đông Nam Á của ông D.Cameron vì thế mang thông điệp rõ ràng: Anh sẽ đa dạng hóa các quan hệ kinh tế của mình và sẵn sàng thay đổi. Việc mở rộng hoạt động thương mại sang Đông Nam Á giúp Anh hiện thực hóa giấc mơ nâng giá trị xuất khẩu của nước Anh lên mức 1.000 tỷ bảng (15 nghìn tỷ USD) đến năm 2020. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông D.Cameron mang tới Đông Nam Á trên 30 doanh nghiệp hàng đầu của Anh trong các lĩnh vực và dự kiến mang về nước một loạt các hợp đồng trị giá khoảng 750 triệu bảng Anh (hơn 1,2 tỷ USD).


Tại Indonesia, chặng dừng chân đầu tiên, ông D.Cameron cam kết cung cấp các khoản vay trị giá lên tới 1 tỷ Bảng (1,5 tỷ USD) cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Indonesia. Điều này giúp gia tăng giá trị xuất khẩu của Indonesia sang Anh. Bên cạnh đó, hai nước đã ký hàng loạt các thỏa thuận về lĩnh vực hàng hải, nghiên cứu và ngành không gian dân sự.


Sau Indonesia, đến Việt Nam, Thủ tướng D.Cameron không chỉ tham dự các hoạt động tại Hà Nội mà còn dành phần lớn thời gian gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế thương mại lớn nhất của Việt Nam. Anh hiện đang đứng thứ 3 trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam, với 204 dự án có tổng số vốn đầu tư gần 3.2 tỷ USD, việc lần đầu tiên một đương kim Thủ tướng Anh thăm Việt Nam, trong bối cảnh quan hệ kinh tế thương mại hai nước đang tiến triển hết sức tích cực, đã tạo nên sự hứng khởi mới cho các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực, Thủ tướng D.Cameron cùng người đồng cấp Việt Nam tập trung bàn việc thúc đẩy việc ký kết Hiệp định thương mại tư do thương mại giữa ASEAN và EU. FTA nếu được ký kết, có thể mang về thêm cho nước Anh 3 tỷ bảng (4,5 tỷ USD) mỗi năm nhờ xuất khẩu. 


Tham dự nhiều hơn vào các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu

Kể từ khi tái đắc cử vào tháng 5/2015, Thủ tướng D.Cameron luôn khẳng định lập trường ưu tiên của mình trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Để đối phó với một trong những mối đe dọa lớn nhất của thế giới thì chỉ có thể đoàn kết, phối hợp trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, trong lịch trình tại 4 quốc gia Đông Nam Á, chủ đề hợp tác chống IS không thể không được ông D.Cameron nhắc đến tại 2 quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới là Indonesia và Malaysia. Trong bối cảnh thời gian gần đây, số lượng công dân hai nước này bị IS thu hút sang Trung Đông tham gia đội ngũ thánh chiến ngày càng gia tăng, ông D.Cameron cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ cả về tài chính và công nghệ cho chính phủ các quốc gia này nhằm ngăn chặn việc tuyển dụng thành viên cực đoan trên internet. 


Trước một trong những hồ sơ “nóng” của khu vực là vấn đề Biển Đông, trong chuyến thăm, Thủ tướng D.Cameron một lần nữa nhấn mạnh lập trường của chính phủ London rằng những căng thẳng ở Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở của luật pháp quốc tế và bất kỳ hành động đơn phương khiêu chiến nào cũng có thể đe dọa sự ổn định trong khu vực cũng như sự thịnh vượng của toàn cầu. 


Tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 và 2016 của khu vực ASEAN, theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á, lần lượt là 4,6% và 5,1%. ASEAN sẽ trở thành thị trường chung lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030. Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế ASEAN, theo kế hoạch ra đời vào cuối năm nay sẽ trở thành thị trường tiêu thụ rộng lớn của gần 650 triệu dân. Trong khi đó, với tăng trưởng 2,8% năm 2014, Anh hiện vượt qua Pháp để trở thành nền kinh tế lớn của khu vực châu Âu, chỉ sau Đức. Với chuyến công du này, Anh mong muốn liên kết chặt chẽ hơn với các thị trường tăng trưởng mạnh tại khu vực, để hiện thực hóa giấc mộng trở thành nền kinh tế lớn nhất phương Tây.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác