(VOV5) - "Tăng năng suất cần được thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, tức là chúng ta không thể có một chính sách chung cho tất cả.
Việt Nam đang triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID - 19. Trong quá trình này, việc tối ưu hoá các nguồn lực và động lực có ý nghĩa quan trọng để “biến nguy thành cơ”, tìm thấy những cơ hội phát triển mới.
Cách tiếp cận mới trong việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xuất phát từ: xu hướng toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương.
Kế hoạch tổng thể, giải pháp đồng bộ
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, trong bối cảnh dịch COVID - 19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng trên thế giới, làm cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế bị trở ngại, hiện nay, các nước, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trên toàn cầu nỗ lực tìm cách phục hồi. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội này sẽ góp phần tham gia tích cực vào phục hồi các chuỗi cung ứng, các hoạt động đầu tư, thương mại quốc tế để phục hồi kinh tế đất nước.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương”.Ảnh ddaijbieunhandan.vn |
Để làm được điều này, Việt Nam nhất thiết phải có kế hoạch tổng thể, nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể là việc chủ động, tích cực đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Nhà nước, các cấp, các ngành để kết nối, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, khoa học công nghệ của đất nước, của doanh nghiệp trong nước với các nước, các doanh nghiệp nước ngoài. Hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách (nhất là chính sách tài chính, đất đai), thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định rằng: tăng năng suất là phương thức quan trọng nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển. "Tăng năng suất cần được thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, tức là chúng ta không thể có một chính sách chung cho tất cả. Đây là quá trình tiến hành trên tinh thần đổi mới sáng tạo, cần đổi mới sáng tạo trong cả cách nghĩ và cách làm, cả tư duy và hành động để thích ứng với sự thay đổi rất nhanh của thực tiễn, đi thẳng vào phát triển những lĩnh vực của nền kinh tế xanh, tuần hoàn và kinh tế số; hết sức chú trọng khai thác và phát huy nguồn lực con người, bởi đây vừa là nguồn lực nội sinh nhưng chính là động lực phát triển quan trọng nhất mà chúng ta cần phải tính đến."
Để tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển, Việt Nam cũng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất trong nước đổi mới công nghệ, áp dụng các quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, để sản phẩm của Việt Nam có thể tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, những gói kích cầu cần tập trung giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục để người lao động sớm được nhận và ổn định cuộc sống.
Khơi thông nguồn lực địa phương
Về phía địa phương, sau 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID – 19, nhiều tỉnh, thành phố đang nỗ lực khôi phục kinh tế dựa trên thế mạnh sẵn có. Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng nguồn lực địa phương chỉ được khơi thông khi nhận diện được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Từ nhận thức đó, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi sang phát triển xanh. Tỉnh cũng đi tiên phong trong cải cách hành chính để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển; đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới.
Tại Phú Yên, tỉnh đang hoàn thiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó chú trọng các giải pháp, cơ chế, chính sách mang tính đột phá để sớm phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho biết: "Phú Yên xác định ngành kinh tế mũi nhọn kinh tế biển, ngư trường thủy hải sản, du lịch, cảng biển. Phú Yên đã có quy hoạch cảng nước sâu cảng Bãi Gốc. Tỉnh cũng đang quy hoạch xây dựng dự án điện gió ngoài khơi, gắn kinh tế biển với quốc phòng an ninh. Tức là mình có những lớp lang, kế hoạch, chiến lược quy hoạch rất rõ ràng để làm sao tận dụng tối đa lợi thế của biển. Về Du lịch, hiện tập trung 2 vấn đề là cải cách hành chính để các dự án đầu tư triển khai được nhanh; thứ 2 là du lịch phải có chiều sâu".
Trong bối cảnh xảy ra những biến cố, khủng hoảng ở quy mô lớn như đại dịch COVID-19, việc Việt Nam tối ưu hóa các nguồn lực và động lực có ý nghĩa quan trọng. Điều này góp phần gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế - xã hội, tạo những tiền đề cho sự ổn định, "biến nguy thành cơ", tìm thấy những cơ hội phát triển mới trong và sau đại dịch.