(VOV5) - Thị trường Việt Nam với 98 triệu dân và một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, cũng có nhu cầu rất cao về nguồn đầu vào cho sản xuất cũng như các sản phẩm tiêu dùng chất lượng tốt từ EU.
Sau hơn 1 năm Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực và đi vào hoạt động, EVFTA đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế giữa hai bên, nhất là sự tăng trưởng trong quan hệ xuất nhập khẩu song phương. Sau những thành công bước đầu, hai bên đang bước vào một giai đoạn mới khó khăn hơn, thách thức hơn dưới áp lực chưa từng có của dịch bệnh ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Điều này đòi hỏi phải có sự chuyển đổi mới phù hợp, để từ đó tiếp tục tận dụng tối đa các cơ hội mà EVFTA mang lại.
Ảnh minh họa |
Có hiệu lực từ 01/08/2020, EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cho phép Việt Nam kết nối trực tiếp cùng lúc với 27 nền kinh tế thành viên EU, thị trường có sức mua lớn thứ hai toàn cầu. Về phía mình, thị trường Việt Nam với 98 triệu dân và một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, cũng có nhu cầu rất cao về nguồn đầu vào cho sản xuất cũng như các sản phẩm tiêu dùng chất lượng tốt từ EU.
EVFTA và những giá trị không thể phủ nhận
Kể từ khi có hiệu lực ngày 1/8/2020, EVFTA đã cho thấy những đóng góp có ý nghĩa như một cứu cánh trong phát triển kinh tế giữa hai bên và cho sự tăng trưởng của Việt Nam.
Nếu như suốt 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tụt dốc liên tục với mức giảm tổng cộng là -5,9% so cùng kỳ năm 2019, thì tình hình hoàn toàn thay đổi trong 5 tháng cuối năm 2020, dưới tác động tích cực của EVFTA. 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn tăng liên tục và ổn định, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản.
Ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) chính thức được ký kết, tới 1/8/2020 chính thức có hiệu lực. Ảnh: VGP |
Ở chiều ngược lại, EVFTA cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, với các sản phẩm thế mạnh và cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho Việt Nam. Đáng chú ý, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất so năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác. Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: "Việc đưa Hiệp định vào thực thi đã mang lại những hiệu quả hết sức tích cực. Trao đổi thương mại 2 chiều tính theo năm tăng trưởng đến 12%. Xuất khẩu của ta sang EU lên 38 tỷ USD còn EU xuất sang Việt Nam đạt 16 tỷ USD. Lượng kim ngạch xin giấy chứng nhận xuất xứ để có thể hưởng ưu đãi của Hiệp định lên đến gần 8 tỷ USD."
Bên cạnh hiệu quả hoạt động xuất khẩu, hơn một năm qua, đã có nhiều chương trình thực thi Hiệp định từ cấp Chính phủ, bộ ngành, địa phương như tuyên truyền, phổ biến, xây dựng văn bản pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững… Các hoạt động đều đã ghi nhận những tiến triển khả quan.
Nhận diện thuận lợi và khó khăn để tận dụng những cơ hội từ tương lai
Những tín hiệu bước đầu tích cực, sau 1 năm thực thi khẳng định lợi thế thương mại của Việt Nam khi là thành viên EVFTA. Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức khi chi phí thương mại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch COVID-19, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU sang Việt Nam đang sụt giảm. Vì vậy, để vượt qua những khó khăn giai đoạn này, khôi phục sản xuất, tranh thủ tận dụng lợi thế đi đầu và nỗ lực phát huy tốt lợi thế trong EVFTA, Việt Nam không đánh mất những cơ hội tốt hơn trong tương lai, ông Lê Quốc Phương, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, đề xuất
"Cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng những giải pháp mang tính dài hạn. Hai là nâng cao mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa công nghiệp hỗ trợ. Còn trước mắt vẫn phải là những giải pháp ngắn hạn để doanh nghiệp tận dụng tốt những ưu đãi từ EVFTA. Nhưng cốt lõi vẫn phải là giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam."
Theo tính toán của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, nếu được thực thi trong điều kiện bình thường, EVFTA có thể đem lại 5,5 tỷ USD cho tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cùng cơ hội trở thành những mắt xích quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, Việt Nam cần tính tới các phương án tái định vị vị thế trong chuỗi giá trị đó bằng những giải pháp chính sách mạnh mẽ và chủ động hơn, xây dựng năng lực sản xuất và xuất khẩu tốt hơn, theo hướng ưu tiên giá trị gia tăng và công nghệ cao.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng: "Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện kinh tế số, chính phủ điện tử và vận dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để thực sự có những doanh nghiệp thực hiện kinh tế số. Và để có thể tăng tỉ lệ xuất khẩu và giá trị xuất khẩu thì chúng ta phải chế biến, đừng chỉ xuất khẩu những sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Cho nên, EVFTA không chỉ là cơ hội xuất khẩu mà là động lực cải cách, thúc đẩy chuyển mạnh sang kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp".
Không chỉ nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược về xuất khẩu, Việt Nam cũng đang dần hoàn thiện thể chế, pháp luật, giải quyết những bất cập về thủ tục hải quan và các rào cản phi thuế quan.
Sau hơn 1 năm thực thi, EVFTA đã đem đến những trái ngọt, nhưng cùng với đó là cả những khó khăn dần lộ diện. Nhận diện rõ cơ hội và thách thức sẽ giúp hai bên khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của nhau, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.