Phát triển kinh tế biển để phát triển kinh tế đất nước

(VOV5) - Việc vươn ra biển, phát triển bền vững kinh tế biển sẽ là 1 phần rất quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.

 Phát triển bền vững kinh tế biển và không gian biển quốc gia là một trong những nhiệm vụ chủ yếu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập trong báo cáo trước Quốc hội hôm khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 21/10. Trong bối cảnh thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của đại dương, việc “Vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng cho tất cả các quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam.

Hiện có khoảng 19 triệu người, trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo.

Chuyển biến từ địa phương

Tỉnh Khánh Hòa, một tỉnh ở duyên hải nam Trung bộ, đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đến năm 2050, Khánh Hòa sẽ là một trung tâm kinh tế biển lớn, là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, ngang tầm khu vực Châu Á. Với lợi thế kinh tế biển, tỉnh Khánh Hòa chú trọng các dịch vụ logistics chất lượng cao, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng…

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Tỉnh đang xây dựng các quy hoạch, hướng đến một đô thị biển mang tầm khu vực. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo phải được giữ vững. Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa, địa bàn rất chiến lược. Tỉnh xây dựng huyện đảo Trường Sa vừa để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vừa gắn với phát triển kinh tế biển."

Tại phía Nam, trong gần 4 năm qua, tỉnh Bến Tre, địa phương có 65 km đường bờ biển, đã và đang thực hiện các chương trình, hành động để phát triển về hướng Đông. Tỉnh chủ trương đầu tư và tập trung triển khai 19 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.000 MW; 09 dự án hoàn tất công tác thi công lắp dựng cơ bản với tổng công suất lắp đặt 365,9 MW. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã trình Thủ tướng chủ trương thực hiện dự án “Khu tổ hợp hydro xanh Bến Tre” làm dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất Hydro tại Việt Nam.

Phát triển kinh tế biển để phát triển kinh tế đất nước - ảnh 1Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hoà). Ảnh: VOV

Cũng nằm trong chủ trương phát triển về hướng Đông, Bến Tre còn tích cực kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, thực hiện dự án lấn biển. Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: "Chúng tôi đã đưa ra định hướng phát triển về hướng Đông, trong đó có chương trình lấn biển đến 50.000 ha. Đây là thể hiện cái khát vọng muốn làm sao cho Bến Tre phát triển đột phá trong thời gian sắp tới. Tôi rất mong các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư vào Bến Tre (nói chung) mà đặc biệt là khu lấn biển này. Tôi cũng muốn là thông qua các nhà đầu tư, Bến Tre sẽ vươn cao vươn xa hơn nữa, không chỉ trong nước mà còn hướng ra quốc tế."

Những định hướng quan trọng  

Việt Nam hiện có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch được phê duyệt (18 khu đã được thành lập), thu hút hơn 550 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 54,36 tỷ USD; hơn 1.600 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1,37 triệu tỷ đồng (58,32 tỷ USD). Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn của 28 tỉnh ven biển chiếm 49,8% GDP cả nước.

Hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược về biển được rà soát, hoàn thiện, mang quan điểm đột phá trong phát triển bền vững kinh tế biển… Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, đặc biệt ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Phát triển kinh tế biển để phát triển kinh tế đất nước - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: nld.com.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nhà nước đã đầu tư nhiều cho vùng biển và liên quan dự án biển, hình thành hành lang kinh tế biển. Để phát triển bền vững kinh tế biển và không gian biển quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết : "Thời gian tới, các bộ ngành rà soát các quy hoạch: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch của các tỉnh, phải lồng ghép trên tinh thần đảm bảo 3 nguyên tắc: phải sử dụng lưỡng dụng kinh tế kết hợp quốc phòng, cần tập trung ưu tiên một số dự án, nhưng phải trọng tâm, trọng điểm. Đối với một số ngành, tập trung một vài lĩnh vực cần ưu tiên tạo động lực mới, như: năng lượng tái tạo, hàng hải, logistic…"

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ."

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước thời cơ, thời điểm rất quan trọng để tăng tốc, bứt phá thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024, năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Việc vươn ra biển, phát triển bền vững kinh tế biển sẽ là 1 phần rất quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác