Quan hệ Việt Nam – Hà Lan ngày càng phát triển sâu sắc và toàn diện hơn

(VOV5) - Chuyến thăm này diễn ra chưa đầy 1 năm sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hà Lan vào tháng 12 năm ngoái.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan, Mark Rutte, thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 01-02/11. Đây là cột mốc quan trọng cho thấy quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hà Lan phát triển tốt đẹp và đã sẵn sàng để tiến sang một giai đoạn mới sâu sắc hơn.

Chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng với quan hệ hai nước khi Việt Nam và Hà Lan năm nay kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Đối với cá nhân Thủ tướng Mark Rutte, đây cũng là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ 3 của ông, sau các chuyến thăm vào tháng 6/2014 và tháng 4/2019. Đáng chú ý, chuyến thăm này diễn ra chưa đầy 1 năm sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hà Lan vào tháng 12 năm ngoái.

Tần suất trao đổi cấp cao này là minh chứng cụ thể nhất cho mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp về nhiều mặt giữa Việt Nam và Hà Lan, là biểu hiện của việc hai nước đã sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương.

Điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả

Việt Nam và Hà Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm (1973), nhưng các tiếp xúc đầu tiên giữa hai đất nước đã diễn ra từ hơn 4 thế kỷ trước, khi các tàu buôn đầu tiên của Hà Lan cập bến ở Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Quan hệ Việt Nam – Hà Lan ngày càng phát triển sâu sắc và toàn diện hơn - ảnh 1Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác hai nước ghi nhận những phát triển vượt bậc. Từ một đối tác phát triển, hỗ trợ Việt Nam trong một số dự án, như: xây trường Trung học chuyên Hà Nội-Amsterdam, bệnh viện mắt hay xây dựng cơ sở hạ tầng cấp nước, Hà Lan hiện nay đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu.

Cụ thể, Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 13,7 tỷ USD và là nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam lớn nhất tại châu Âu, với tổng kim ngạch thương mại song phương năm ngoái đạt hơn 11 tỷ USD. Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, Christoph Prommersberger, đánh giá quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ qua là điển hình của một mối quan hệ năng động, hiệu quả:“Qua năm tháng, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan không ngừng phát triển cùng với nhịp độ phát triển của Việt Nam. Giờ đây chúng ta có một mối quan hệ rất đa dạng và cân bằng, dựa trên cơ sở lợi ích chung, thương mại và đầu tư”.

Bên cạnh thương mại và đầu tư, Việt Nam và Hà Lan cũng đã ký kết hai hợp tác chiến lược, gồm: Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Biến đổi khí hậu và quản lý nước năm 2010; Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp và An ninh lương thực năm 2014. Là quốc gia có kinh nghiệm và kỹ năng trị thủy tích lũy qua nhiều thế kỷ, có uy tín hàng đầu thế giới, Hà Lan từ nhiều năm qua đã cử chuyên gia sang trợ giúp Việt Nam triển khai các dự án quản trị nguồn nước, nghiên cứu các phương án ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các vùng đồng bằng ven biển.

Ngoài ra, hợp tác hai nước không chỉ dừng lại ở cấp độ chính phủ, mà mối quan hệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và nhân dân hai nước cũng rất chặt chẽ và sâu sắc. Về giáo dục, Hà Lan hiện là một trong những điểm đến hàng đầu tại châu Âu đối với du học sinh Việt Nam.

Giai đoạn phát triển mới sâu sắc hơn

Trên nền tảng của mối quan hệ tốt đẹp tạo dựng được trong 50 năm qua, Việt Nam và Hà Lan đang hướng tới một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương, với các ưu tiên mới ở tầm cao hơn.

Quan hệ Việt Nam – Hà Lan ngày càng phát triển sâu sắc và toàn diện hơn - ảnh 2Ông Kees van Baar, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Thương

Theo Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, Kees van Baar, tháp tùng Thủ tướng Hà Lan trong chuyến thăm Việt Nam lần này là một phái đoàn gồm rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan trong lĩnh vực công nghệ. Theo Đại sứ, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghệ cao và chuyển đổi số là trọng tâm và ưu tiên mà Hà Lan muốn triển khai cùng Việt Nam.

Đại sứ Kees van Baar chia sẻ: trong chuyến thăm năm ngoái tới Trung tâm Công nghệ Brainport (BIC), nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính có một câu nói mà chính phủ Hà Lan rất tâm đắc, đó là: mối quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan 4 thế kỷ trước bắt đầu từ cảng biển (seaport), đến thế kỷ 20 thông qua cảng hàng không (airport) và bây giờ, thế kỷ 21, cần chuyển sang mức cao hơn là Brainport, tức là công nghệ cao. Đại sứ đánh giá điều này cho thấy cả Việt Nam và Hà Lan đều đang quyết tâm biến công nghệ cao thành một trụ cột mới trong quan hệ hai nước:“Ngành công nghệ cao của Hà Lan rất quan tâm đến Việt Nam bởi có rất nhiều công ty công nghệ cao tại Việt Nam, cả công ty Việt Nam, như: FPT, CMC… lẫn các công ty nước ngoài, như: Samsung, LG, Foxconn... Ngoài ra, các công ty công nghệ Hà Lan cũng muốn tìm kiếm một địa điểm khác, ngoài Trung Quốc, để có thể sản xuất các thành phần công nghệ cao của mình”.

Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai 3 đột phá tăng trưởng, tập trung vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong các lĩnh vực ưu tiên mới này là hết sức to lớn. Hà Lan có những doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực bán dẫn, viễn thông, thương mại điện tử, như: ASML, NXP, Phillips, Adyen… trong khi Việt Nam thời gian gần đây đang nổi lên như là điểm đến mới hấp dẫn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là chuỗi cung ứng công nghệ cao.

Tuy nhiên, ưu tiên chung của Việt Nam và Hà Lan không chỉ dừng lại ở công nghệ cao. Là hai quốc gia có đặc điểm địa lý chung là có vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn, Việt Nam và Hà Lan đều đối mặt với các thách thức về nước và biến đổi khí hậu nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp có định hướng xuất khẩu của hai quốc gia. Do đó, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong việc giải quyết các vấn đề này cũng rất lớn.

Có thể nói, trong bối cảnh thế giới đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ về luồng đầu tư công nghệ và biến đổi khí hậu trở thành thách thức sống còn với nhân loại, Việt Nam và Hà Lan đều đang có ưu tiên chung, quyết tâm chung để đưa quan hệ song phương tiến vào một giai đoạn phát triển mới sâu sắc hơn, đáp ứng lợi ích của hai quốc gia, cũng như đóng góp cho nỗ lực chung ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác