Quốc hội Việt nam đổi mới để phát triển

(VOV) - Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Việt nam là một trong những nhu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Nội dung này đã được xây dựng thành Đề án và xung quanh phiên họp thứ 6 của Ủy ban thường vụ Quốc hội kết thúc ngày 28/3, nhiều đại biểu tiếp tục góp ý về các giải pháp đổi mới hoạt động của Quốc hội, trong đó chú trọng đến hoạt động chất vấn, tổ chức kỳ họp, tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội Việt nam đổi mới để phát triển - ảnh 1


Một nội dung được nhiều đại biểu đề cập là Quốc hội cần phải tăng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và hoạt động giải trình của các Bộ trưởng, trưởng ngành tại những phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban (ít nhất mỗi năm hai lần). Trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá, giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết: Chúng ta hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi để tổ chức hoạt động này một cách thường xuyên tại các phiên họp của Uỷ ban thường vụ quốc hội, chỉ cần có sự quyết tâm cao của Ủy ban thường vụ quốc hội trong việc đổi mới hoạt động của mình cũng như sự hưởng ứng của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội chuyên trách và sự hợp tác chặt chẽ của các thành viên chính phủ và trưởng ngành. Thực hiện chất vấn tại các phiên họp của Uỷ ban thường vụ quốc hội sẽ giúp cho Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát sâu hơn, hơn nữa vì các phiên họp của Uỷ ban diễn ra hàng tháng nên cũng kịp thời chất vấn những vấn đề bức xúc của đất nước, nhờ đó Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước một cách hiệu quả hơn và có chất lượng hơn”.

Quốc hội Việt nam đổi mới để phát triển - ảnh 2
Đại biểu chất vấn các thành viên Chính phủ


Cùng với việc tăng hoạt động chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội cũng cần đổi mới mạnh mẽ, rút ngắn các báo cáo giải trình, tăng chất vấn trực tiếp theo từng nhóm vấn đề, theo hướng đối thoại, tranh luận đến cùng từng vấn đề.


Đề cập việc đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, theo một số đại biểu, cần đa dạng hoá hình thức tiếp xúc cử tri như tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi cư trú, công tác, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội lựa chọn. Mỗi tháng, đại biểu Quốc hội ở địa phương cần dành từ 2 đến 3 ngày để thực hiện việc tiếp xúc, thâm nhập đời sống nhân dân, nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri…Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: “Nếu chúng ta không tiếp xúc được với người dân cụ thể thì có nghĩa thông tin của chúng ta không đầy đủ. Chưa kể, cử tri đề đạt nhiều vấn đề nhưng vì không có đủ thẩm quyền nên đại biểu không đáp ứng, không giải quyết được gì nhiều. Có những vấn đề, như điện đường trường trạm, rất bức xúc, mình hứa rồi không làm được, hay không hứa thì uy tín của đại biểu cũng bị giảm đi rất nhiều”.


Quốc hội Việt nam đổi mới để phát triển - ảnh 3
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng gặp gỡ các cử tri Hà Tĩnh

Về thời gian họp, có thể tổ chức kỳ họp Quốc hội theo hướng rút ngắn thời gian mỗi kỳ xuống còn 20 đến 25 ngày, một năm từ 40 đến 50 ngày (hiện nay là từ 60 đến  70 ngày), song vẫn hoàn thành chương trình, đảm bảo chất lượng. Để làm việc này, cần chuyển một số công việc tại kỳ họp sang hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình với quan điểm này: “Làm sao để tổ chức kỳ họp việc vẫn phải bảo đảm, chương trình, quy trình vẫn phải bảo đảm. Cố gắng thời gian tập trung họp toàn thể làm sao ngắn lại. Muốn vậy thì một số nội dung sẽ chuyển sang hoạt động chuyên trách, bổ sung vào hoạt động của các Uỷ ban, tăng cường hoạt động trực tuyến. Làm được như vậy thì công việc của mỗi kỳ họp, đặc biệt là công đoạn làm Luật sẽ bớt được thời gian”.


Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Việt nam. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội sẽ giúp cho tính đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước được tăng cường, xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân./.

Phản hồi

Các tin/bài khác