Quốc hội Việt Nam hướng tới các chuẩn mực nghị viện toàn cầu

(VOV5) - Hướng tới các chuẩn mực nghị viện toàn cầu là xu hướng tất yếu của Quốc hội Việt Nam. 
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu đã đưa ra các giải pháp để hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội hiệu quả hơn, thực chất hơn, xứng tầm là cơ quan đại diện cho ý chí của cử tri cả nước, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đáp ứng được các chuẩn mực hoạt đã hình thành từ lâu trong thực tiễn phát triển nghị viện trên thế giới.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội tập trung vào việc nâng cao vị trí của đoàn đại biểu Quốc hội, tăng cường chức năng giám sát của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội, đề cao khả năng thực thi quyền trình dự án luật, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cũng như tăng thời lượng tiếp xúc cử tri.

 Tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách

Theo thống kê, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương là 18,2%, đại biểu chuyên trách ở địa phương là 12,6%. Trong xu thế đổi mới hoạt động của Quốc hội hiện nay, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, cần tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên ít nhất 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Đây là quy định phù hợp với điều kiện Việt Nam và cũng là yêu cầu tối thiểu. Ngoài ra, cần bổ sung tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng như điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách.  Ông Bế Xuân Trường, đại biểu  Quốc hội tỉnh Nam Định, nêu ý kiến:Tôi đề nghị bố trí ít nhất 2 người trong đó Trưởng đoàn hoặc Phó trưởng đoàn hoạt động chuyên trách. Quy định như vậy không chỉ tạo điều kiện cho các đoàn Đại biểu Quốc hội hoạt động thường xuyên liên tục mà tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương chính là tăng khả năng tiếp xúc cử tri của Quốc hội nhằm ghi nhận tối đa ý kiến, kiến nghị của nhân dân, tăng cường khả năng giám sát trực tiếp, thường xuyên của Quốc hội

Quyền trình dự án luật

Quốc hội Việt Nam cũng như Quốc hội các nước trên thế giới coi hoạt động lập pháp là hoạt động chủ yếu. Hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam qua các nhiệm kỳ ngày càng tiến bộ, đến nay đã hình thành một hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh điều chỉnh các lĩnh vực đời sống xã hội. Có được hệ thống pháp luật này là kết quả hoạt động lập pháp sáng tạo, tích cực của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cá nhân trình dự án luật, pháp lệnh. Hiến pháp 2013 quy định quyền của đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp theo hướng ngày càng tôn trọng và nâng cao vai trò, tính độc lập, sáng tạo của cá nhân đại biểu Quốc hội. Đây là một xu hướng đúng, phù hợp với quy luật phát triển của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Thực hiện tốt các quyền này của đại biểu Quốc hội sẽ là một bảo đảm tốt nhất thể hiện tính nhân dân, ý chí của nhân dân trong hệ thống luật pháp của Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: Về quyền trình dự án luật pháp lệnh, đề nghị cần có quy định rõ ai tư vấn cho đại biểu Quốc hội, cơ quan đơn vị nào hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh.

Tăng cường chức năng giám sát của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội

  Đoàn đại biểu Quốc hội là nơi tổ chức các hoạt động của đại biểu Quốc hội, trong đó có việc tiếp công dân, thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác, tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương.

Quốc hội Việt Nam hướng tới các chuẩn mực nghị viện toàn cầu - ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội trong một phiên họp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo nhiều đại biểu, Quốc hội cần quy định rõ chức năng giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, không nên hạn chế nhiệm vụ giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội. Ông Phạm Đức Châu, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho rằng Tôi đề  nghị  quy định đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát và tổ chức cho đại biểu Quốc hội giám sát. Đoàn đại biểu Quốc hội càng hoạt động thường xuyên thì càng mạnh. Ngoài ra, phải bổ sung điều về quyền, trách nhiệm giám sát của đại biểu Quốc hội, đại biểu có thể tự mình giám sát hoặc tham gia giám sát cùng đoàn đại biểu Quốc hội.

Tăng thời gian gặp gỡ, tiếp xúc cử tri

Đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri, là người thay mặt cho nhân dân cả nước, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội do đó để nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu nói riêng và của Quốc hội nói chung cần quy định rõ thời gian đại biểu tiếp xúc cử tri trong 1 nhiệm kỳ. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: Cử tri yêu cầu đại biểu giành thời gian để hoạt động Quốc hội có nghĩa là muốn đại biểu thường xuyên gặp gỡ cử tri để nghe nguyện vọng của cử tri. Vậy nên quy định trong một năm, đại biểu Quốc hội phải dành bao nhiêu thời gian để gặp gỡ cử tri giống như Quốc hội các nước có quy định rất rõ thời gian cụ thể.   

Ngoài ra để đảm bảo chất lượng kỳ họp Quốc hội, nhất là khi thảo luận những vấn đề khó, còn có ý kiến khác nhau, cần có sự tranh luận cần phải bố trí đủ quỹ thời gian để đại biểu Quốc hội tranh luận rõ vấn đề.

Một báo cáo toàn cầu về nghị viện của IPU năm 2012 từng khẳng định nền dân chủ không thể thiếu Nghị viện. Trong xu thế này, Quốc hội Việt Nam đang dần đổi mới để đáp ứng các chuẩn mực đã hình thành trong hoạt động nghị viện quốc tế, đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác