Sóng gió trên chính trường Hàn Quốc

(VOV5) - Chính trường Hàn Quốc đang có dấu hiệu khủng hoảng khi đảng cầm quyền bị chia rẽ và Tổng thống Park Geun Hye đang cố gắng thay đổi tình thế bằng cách cải tổ nội các. 


Sóng gió trên chính trường Hàn Quốc - ảnh 1
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye 

Vụ bê bối liên quan đến những người thân cận với Tổng thống Park Geun-hye bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ để can thiệp vào các vấn đề quốc gia quan trọng, đã ảnh hưởng tiêu cực tới không chỉ uy tín của nhà lãnh đạo này, mà còn có thể kéo theo những hậu quả hết sức khó lường.

Vụ bê bối đã khiến hàng chục ngàn người dân Hàn Quốc đổ ra đường phố biểu tình ở thủ đô Seoul những ngày qua, yêu cầu Tổng thống Park Geun Hye từ chức hoặc bị luận tội. Trước những áp lực của dư luận và đặc biệt từ nội bộ đảng Saenuri (đảng cầm quyền) lẫn các đảng đối lập, Tổng thống Park Geun Hye đã công bố cải tổ nội các. Bà đã đề cử người thay thế Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế và Bộ trưởng An toàn Nhân dân. 

Tuy nhiên, các quyết định của bà đã bị các đảng đối lập ở Hàn Quốc lên tiếng phản đối do không có sự tham vấn trước. Quốc hội nước này cũng tuyên bố sẽ không phê chuẩn quyết định thay người của Tổng thống. Trước đó, 8 trong số các trợ lý cấp cao của bà Park, đã từ chức sau vụ bê bối này. 

Nguy cơ từ chức hoặc bị luận tội

Trong một diễn biến mới nhất, bà Choi Soon-sil, người phụ nữ đang là tâm điểm của vụ bê bối chính trị và là bạn thân của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, người bị cáo buộc sử dụng mối quan hệ này để can thiệp vào các công việc quốc gia, đã bị bắt giữ chỉ vài giờ sau khi tới văn phòng của cơ quan công tố sở tại để trả lời các câu hỏi. Trước đó, một quan chức thuộc cơ quan công tố Hàn Quốc cho biết các công tố viên đang điều tra những cáo buộc về việc bà Choi Soon-sil sử dụng mối quan hệ với Tổng thống Park Geun-hye để can thiệp vào các vấn đề quốc gia bằng cách tiếp cận thông tin tuyệt mật và tư lợi từ các quỹ phi lợi nhuận. Ước tính số tiền đóng góp vào các quỹ phi lợi nhuận do bà Choi lập nên vào khoảng 50 tỷ won (tương đương 44 triệu USD). Tuần trước, Tổng thống Park Geun-hye thừa nhận đưa cho người bạn thân của mình một số dự thảo bài phát biểu khi mới nhậm chức, đồng thời đã xin lỗi vì khiến công chúng lo ngại. Bà Choi cũng thừa nhận đã nhận các tài liệu của Tổng thống, song bác bỏ việc can thiệp vào các vấn đề quốc gia hoặc gây áp lực lên các công ty để ủng hộ quỹ.

Sau khi vụ bê bối xảy ra, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye đã giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều học giả, khả năng bà Park bị luận tội theo đòi hỏi của phe đối lập, không đơn giản. Bởi việc luận tội này cần có sự thông qua của Tòa án Tối cao, cơ quan do bà trực tiếp bổ nhiệm. Hơn nữa, theo Hiến pháp Hàn Quốc, Tổng thống cũng sẽ được miễn mọi cuộc truy tố hình sự và luận tội trong nhiệm kỳ, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến các âm mưu xâm phạm lợi ích hoặc chủ quyền quốc gia có câu kết với nước ngoài. 

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng chỉ còn một năm nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, phe đối lập có thể muốn lợi dụng vụ bê bối này để làm sụt giảm uy tín của đảng cầm quyền. 

Ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại

Tổng thống Park Geun Hye hiện đang ở năm thứ tư trong nhiệm kỳ 5 năm. Cuộc khủng hoảng chính trị trên đe dọa sẽ làm phức tạp thêm quá trình hoạch định chính sách cuối nhiệm kỳ. Không chỉ tác động tiêu cực đối với các vấn đề trong nước, vụ việc còn có thể ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách đối ngoại của nước này. Một số nhà phân tích trong nước khác còn lo ngại bê bối này ảnh hưởng tới chính sách cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên mà Hàn Quốc theo đuổi bấy lâu nay. Đặc biệt, trong bối cảnh thời điểm nhạy cảm hiện nay khi Hàn Quốc vừa quyết định cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ của mình. 


Hàn Quốc vốn không xa lạ với những vụ bê bối liên quan đến quan trường và vụ việc lần này cũng vậy. Vụ bê bối đang tiếp tục được điều tra và hiện chưa có kết luận cuối cùng. Rất có thể, thời gian tới một chính phủ liên minh được thành lập hoặc Hiến pháp sẽ sửa đổi cho phép Tổng thống nhường lại quyền lực. Nếu bà Park từ chức, theo quy định của luật pháp Hàn Quốc, nước này sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày kể từ khi bà rời văn phòng. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc theo kế hoạch diễn ra vào tháng 12/2017, do vậy đảng đối lập chưa chuẩn bị tình huống để có thể đảm nhận trách nhiệm từ tay đảng cầm quyền trong một cuộc bầu cử sớm. Với việc cải tổ nội các, chỉ định thủ tướng mới trung lập về chính trị, bà Park Geun-hye đang nỗ lực lấy lại uy tín của mình. Chính trường Hàn Quốc chắc chắn còn nhiều diễn biến trong những ngày tới.

Phản hồi

Các tin/bài khác