Tái thiết Ukraine: sứ mệnh nhiều thách thức

(VOV5) - Tái thiết Ukraine là một sứ mệnh nhiều thách thức bởi nó cần tới nguồn tài chính khổng lồ cùng những kế hoạch và chiến lược thực thi phức tạp, kéo dài.

Đầu tháng 7 này, nhiều quốc gia và định chế tài chính quốc tế đã thúc đẩy những nỗ lực chính thức đầu tiên cho công cuộc tái thiết Ukraine, quốc gia thuộc không gian hậu Xô-viết bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động từ ngày 24/2.
Tuy nhiên, theo nhiều phân tích, tái thiết Ukraine là một sứ mệnh nhiều thách thức bởi nó cần tới nguồn tài chính khổng lồ cùng những kế hoạch và chiến lược thực thi phức tạp, kéo dài.

Tái thiết Ukraine: sứ mệnh nhiều thách thức - ảnh 1 Một tòa nhà bị hư hại nặng trong chiến sự Nga - Ukraine ở thành phố Sievierodonetsk, tỉnh Lugansk ngày 1/7. Ảnh: Reuters

Báo cáo của Chính phủ Ukraine tại Hội nghị tái thiết Ukraine được tổ chức tại thành phố Lugano, Thụy Sỹ trong hai ngày 4-5/7 vừa qua cho thấy, tiến trình tái thiết Ukraine sau chiến sự tính tới thời điểm này cần tới khoảng 750-770 tỷ USD. Đây là những con số khổng lồ, vượt xa và gấp nhiều lần quy mô của phần lớn các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, đó không phải là thách thức duy nhất mà công cuộc tái thiết Ukraine phải đối mặt.

Những thách thức lớn   

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nhấn mạnh rằng nước này bị tàn phá nặng nề và nhu cầu tài chính để tái thiết đất nước là vô cùng lớn. Theo đó, Ukraine cần tới nguồn tài chính lên tới 750 tỷ USD cho công cuộc tái thiết. Còn trong phát biểu qua truyền hình gửi tới Hội nghị, Tổng thống Ukraine Zelensky nêu rõ: công cuộc tái thiết Ukraine là nhiệm vụ rất nặng nề và trách nhiệm chung của "thế giới dân chủ".

Tái thiết Ukraine: sứ mệnh nhiều thách thức - ảnh 2Các nước tham gia cuộc họp về tái thiết Ukraine tại Lugano, Thụy Sĩ, ngày 5/7. Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia và chính khách quốc tế, số tiền 750 tỷ USD để tái thiết Ukraine dù chưa phải là cuối cùng, nhưng rõ ràng là một thách thức rất lớn. Khoản tiền cần có này vượt quá gấp nhiều lần quy mô nền kinh tế của phần lớn các quốc gia trên thế giới, cần tới sự đóng góp hào phóng của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước giàu có, các nền kinh tế lớn. Thế nhưng, trong bối cảnh bản thân nhiều nền kinh tế giàu có cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức nghiêm trọng về kinh tế do lạm phát và giá nguyên liệu tăng cao, sự đóng góp hào phóng từ các nước giàu có vẫn chưa có gì được đảm bảo.

Hơn thế, việc tái thiết Ukraine còn phải cần tới những kế hoạch, chiến lược, lộ trình thực thi phức tạp. Trong đó, không thể không tính tới việc hồi hương và ổn định cuộc sống cho hơn 10 triệu người Ukraine đã phải rời khỏi đất nước đi lánh nạn. Đó là chưa tính tới thực tế chiến sự còn có nguy cơ kéo dài, thêm nhiều người Ukraine phải đi lánh nạn và thêm nhiều công trình hạ tầng bị tàn phá…

Cùng chung quan điểm với nhiều nhà phân tích quốc tế, Đại sứ Thụy Sỹ phụ trách Hội nghị Simon Pidoux cho rằng còn quá sớm để ước tính tất cả nhu cầu, nhấn mạnh rằng “nỗ lực tái thiết sẽ kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ”.

Giải pháp và triển vọng

Một trong những kết quả đáng chú ý tại Hội nghị tái thiết Ukraine là việc lãnh đạo của khoảng 40 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã ký Tuyên bố Lugano, cam kết hỗ trợ về mặt chính trị, tài chính và kỹ thuật cho Ukraine tiến hành công cuộc tái thiết. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ con số cam kết cụ thể nào được đưa ra trong Tuyên bố Lugano.

Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều ý kiến trong chính giới phương Tây kêu gọi tiến hành tịch thu tài sản của Chính phủ và các nhà tài phiệt Nga ở nước ngoài để lấy nguồn cho công cuộc tái thiết Ukraine. Ước tính, kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2, các quốc gia phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản ở nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga, đồng thời tịch thu du thuyền, bất động sản của nhiều tài phiệt Nga, Trong đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua quyết định bán một số tài sản tịch thu, trong khi Chính quyền lên kế hoạch sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga để hỗ trợ cho Ukraine. Biện pháp này được Cao ủy Liên minh châu Âu về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell ủng hộ.

Tuy nhiên, hướng đi này đang vấp phải sự phản đối trong chính nội bộ các nước phương Tây. Phát biểu tại Hội nghị Tái thiết Ukraine ngày 5/7, Tổng thống Thụy Sỹ Ignazio Cassis đã cảnh báo về hậu quả tiêu cực nếu chuyển giao các tài sản đóng băng của Nga cho Ukraine. Nhà lãnh đạo Thụy Sỹ nêu rõ "quyền sở hữu, quyền tài sản là quyền cơ bản, quyền con người" và ý tưởng bàn giao tài sản đóng băng của Nga cho Ukraine sẽ tạo "tiền lệ nguy hiểm, phá hoại nền tảng trật tự quốc tế".

Nhiều nhà phân tích có chung quan điểm này, nhấn mạnh rằng mọi giải pháp và hành động liên quan phải dựa trên nền tảng pháp luật quốc tế. Và để bất kỳ kế hoạch tái thiết nào có thể được đưa ra trong tương lai trở nên khả thi, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay với tất cả các bên liên quan và cả cộng đồng quốc tế là phải thúc đẩy đàm phán, tăng cường nỗ lực ngoại giao để sớm chấm dứt xung đột, tái lập hòa bình và sự ổn định cần có tại Ukraine.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác