(VOV5) - Thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng kinh tế có những dấu hiệu phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tận dụng tốt đà phục hồi này để kinh tế thoát khỏi giai đoạn trì trệ.
Kết thúc năm 2013, các mục tiêu mà Quốc hội đề ra đều tăng so với dự kiến ban đầu. Còn 4 tháng đầu năm 2014, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều có những tín hiệu khả quan. Lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng kinh tế vẫn giữ được nhịp độ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những rủi ro tiềm ẩn khó khăn mới như nền kinh tế dù có tăng trưởng nhưng chưa tạo được đột phá. Tuy đã bắt đầu thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong doanh nghiệp nhà nước và trong lĩnh vực ngân hàng nhưng những tồn tại về thể chế, về quy định giải quyết vướng mắc vẫn còn chậm...
Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng
Ghi nhận những kết quả tích cực của nền kinh tế nhưng nhiều đại biểu cho rằng mô hình tăng trưởng chưa có thay đổi mạnh mẽ, thể hiện bằng cách tổng kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2014 tăng 14,1% nhưng chủ yếu là gia tăng ở nhóm các sản phẩm gia công. Ngoài ra, theo báo cáo của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất siêu 1,7 tỷ USD nhưng trong đó 1,1 tỷ USD là của doanh nghiệp FDI, còn lại là của các doanh nghiệp trong nước. Đây là thực tế đáng lo ngại. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, nêu ý kiến:Đề nghị Chính phủ tích cực hơn, quyết liệt hơn đồng bộ hơn, nhất là trong vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và sử dụng có hiệu quả các cơ chế chính sách đã ban hành.”
Trong khi đó, ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng:Về trung hạn, dài hạn, cần thấy rõ lâu nay chúng ta muốn tái cấu trúc thị trường. Chúng ta cần nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc nguyên liệu và tôi kiến nghị phải có chính sách để giúp doanh nghiệp thoát khỏi phần lệ thuộc nguyên liệu, ở đây liên quan tới chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng
Đại biểu Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng khâu đột phá hiện nay là cải cách thể chế đồng thời cần cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp dân doanh phát triển. Trong khi đó, theo ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cần sớm khắc phục các tồn tại, trong đó có tình trạng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng bình quân mỗi năm trên 50.000 doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang khó khăn trên nhiều lĩnh vực như chi phí sản xuất vẫn tăng trong khi sức mua không tăng nên doanh nghiệp khó phát triển, bên cạnh đó, thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê... Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị: Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là làm sao khai thông được tổng cầu. Nếu không khai thông được tổng cầu thì chúng ta không tạo đà phục hồi được. Muốn khai thông tổng cầu phải phân loại các doanh nghiệp. Tôi đề nghị cần tập trung cho các doanh nghiệp đang có khả năng phục hồi nhưng tiếp cận vốn khó khăn do vướng nợ đọng có thể tiếp cận được tín dụng. Mục tiêu năm nay phải tăng tín dụng 12-14%, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ tăng 0,56%. Điều này cho thấy thị trường không hấp thụ được vốn. Thứ hai, ở khu vực đầu tư công, phải làm sao thay đổi về thủ tục để giải ngân được tiền.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến: Tập trung các giải pháp tăng tổng cầu ở mức phù hợp, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý; tổ chức giải ngân kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả các nguồn đầu tư của Nhà nước, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Kinh tế Việt Nam từng bước lấy lại đà tăng trưởng, đó là tín hiệu đáng mừng. Nếu Việt Nam phát huy tốt thành quả bước đầu này trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành các mục tiêu phát triển cho năm 2014 và những năm tiếp theo./.