|
Ở cương vị mới, các trí thức trẻ có đứng chân được trên địa bàn hay không, phụ thuộc rất nhiều vào chính năng lực của họ |
(VOV5) - “Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo” của Thủ tướng Chính phủ được đánh giá là một chủ trương lớn, góp phần tạo nên một sức mạnh mới đối với các xã nông thôn thuộc 62 huyện nghèo. Sau 1 năm triển khai dự án, chính quyền địa phương cả nước rất đồng tình với chủ trương đưa đội ngũ trí thức trẻ về tham gia trực tiếp xây dựng và phát triển quê hương của họ:
Từ chủ trương thực hiện nhiều chính sách nhằm điều tiết nguồn nhân lực, bảo đảm sự phát triển công bằng, bền vững giữa các khu vực trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo”, để tạo sức bật mới nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững và nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo cho khu vực nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số miền núi. Cao Bằng là tỉnh đầu tiên cả nước đón nhận 40 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã tại 5 huyện nghèo. Dù mới chỉ có 3 tháng các tân Phó chủ tịch xã chính thức đảm nhận nhiệm vụ này nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Cao bằng Nguyễn Hoàng Anh cho biết tỉnh đã tạo điều kiện cho hơn 40 trí thức trẻ đang công tác tại những nơi khó khăn nhất: Tôi nghĩ rằng một điều rất quan trọng đối với lớp trẻ là tinh thần dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo, khi về địa phương khó khăn, chắc chắn sẽ phát hiện và tìm ra rất nhiều vấn đề mình quan tâm. Đương nhiên, tôi cũng cho rằng, đối với các trí thức trẻ thì cần tạo điều kiện và cần làm thế nào để họ tiếp cận, bởi với kiến thức học được của họ thì chưa đủ, cần kinh nghiệm và định hướng, hỗ trợ giúp đỡ.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum Đặng Việt Cường cho biết khi tiếp nhận 18 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch tại các xã nghèo, tỉnh Kon Tum giao cho họ phụ trách những công việc phù hợp với chuyên ngành trên các lĩnh vực chủ yếu là kinh tế, nông lâm, hành chính, luật. Đa số các trí thức trẻ này bước đầu đã nhiệt tình thể hiện năng lực cũng như đưa ra những ý kiến chỉ đạo hoạt động tại cơ sở góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của các xã nghèo: Việc bố trí 18 em về các xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum, diễn ra cơ bản thuận lợi. Hiện nay các trí thức trẻ này đang trong thời gian ổn định, tiếp cận công việc và đều được tập thể Đảng ủy, thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các xã giao nhiệm vụ. Các trí thức trẻ này đã tích cực bám cơ sở, xuống các thôn làng nắm tình hình, tham mưu một số việc cho thường trực Uỷ ban nhân dân các xã đó.
Đội ngũ trí thức trẻ về các xã làm lãnh đạo là một chủ trương mới trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, nhằm tăng nguồn lực lãnh đạo, trẻ, khỏe, có trí thức, kiến thức khoa học kỹ thuật giúp người dân ở những nơi nghèo khó. Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Hồ Cảnh cho rằng 13 tân Phó Chủ tịch xã trên địa bàn huyện Tương Dương là rất quý. Họ có các phương pháp luận, phương pháp làm việc tốt. Đây chính là điều kiện cần và đủ mà huyện Tương Dương đang cần. Ông Nguyễn Hồ Cảnh khẳng định những Phó Chủ tịch xã này đã được địa phương cho đi thực tế và đưa ra những tình huống nhất định để thử sức, đồng thời cung cấp bức tranh toàn cảnh về địa phương nơi các em về công tác; phân công cán bộ giúp đỡ các đội viên: Chúng tôi thấy rằng 13 đội viên về cơ bản lồng ghép vào được đội ngũ cán bộ xã, bổ khuyết cho các lĩnh vực còn thiếu cán bộ. Việc các đội viên được lựa chọn là một bước thử cho họ, nhưng cũng là một thử thách cho các cấp chính quyền, vì sau 5 năm thực hiện dự án họ sẽ đi đâu, làm gì, bao nhiêu người trở thành Phó Chủ tịch. Sau khi có các quyết định của dự án, chúng tôi đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy ban hành một văn bản chỉ đạo Ban Thường vụ các Huyện. Các cấp ủy phải đánh giá đội viên, từ đó bồi dưỡng đưa vào nguồn để trưởng thành tốt hơn.
Một năm là thời gian khởi đầu cho lịch trình 5 năm làm Phó Chủ tịch xã của đội ngũ 600 trí thức trẻ. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, thời gian qua đội ngũ 600 trí thức trẻ này đã thực sự đảm nhiệm công việc được phân công, bước đầu gặp nhiều thuận lợi và nhận được sự đồng tình của xã hội. Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban chỉ đạo dự án cho biết thông qua dự án này, Ban chỉ đạo sẽ có những kinh nghiệm và hướng triển khai diện rộng cùng những cơ chế, chính sách trong thời gian tới: Nói rằng dự án thí điểm nhưng thực chất khi đội viên được đưa về dự án đã làm ngay phó chủ tịch và đã có tư cách. Nên chúng tôi nghĩ rằng với đội viên dự án về làm phó chủ tịch xã là đã đầy đủ tư cách và hòa mình vào thực hiện nhiệm vụ của mình. Sự chuẩn bị cho các em về địa phương bước đầu thí điểm như vậy cơ bản là ổn định. Nói dự án thí điểm là vì lần đầu tiên chúng ta đưa trí thức trẻ tình nguyện về làm ngay cán bộ xã. Còn thực ra, trên phạm vi cả nước, trí thức trẻ đã được đưa về làm cán bộ công chức xã thì nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên đưa về làm ngay phó chủ tịch.
Lãnh đạo các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là những xã trực tiếp tiếp nhận đội ngũ trí thức trẻ về làm lãnh đạo địa phương đánh giá việc đưa đội ngũ trí thức trẻ về làm lãnh đạo xã đúng với thực tiễn nhu cầu cơ sở. Bởi đội ngũ lãnh đạo cấp cơ sở có mạnh về trình độ giỏi về chuyên môn mới làm đòn bẩy cho sự phát triển của khu vực nông thôn nói chung và các huyện nghèo nói riêng./.