(VOV5) - Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và sự hiểu biết chính trị cũng như thiện chí được Chính phủ và lãnh đạo hai nước tạo ra là những thành tựu lớn nhất.
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Mohammad Abdul Hamid, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Bangladesh từ ngày 4 - 6/3.Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Bangladesh, đặc biệt qua chuyến thăm, hai nước kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong tương lai.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (thứ hai từ trái sang) và Tổng thống Bangladesh Mohammad Abdul Hamid - Ảnh: Việt Cường/VOV |
Bangladesh và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/2/1973. Trong 45 năm qua, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước được tăng cường trên một loạt lĩnh vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm Bangladesh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng, gặp Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội Bangladesh cũng như có các cuộc gặp với Chủ tịch Đảng Công nhân, Lãnh đạo Phòng Thương mại-Công nghiệp Bangladesh - Việt Nam…
Nền tảng quan hệ tốt đẹp
Nhân dân Bangladesh và Việt Nam có nét tương đồng trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Người cha sáng lập dân tộc của Bangladesh Bangabandhu Sheikh Mujibu Rahman và Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam đều đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh trong thời gian dài để giải phóng đất nước, giành độc lập. Theo Thủ tướng Bangladesh, Sheikh Hasina, cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đã truyền cảm hứng cho nhân dân Bangladesh trong cuộc đấu tranh giành độc lập vào năm 1971.
Những năm qua, hai nước đã có các cuộc trao đổi cấp cao. Tổng thống Mohammad Abdul Hamid đã thăm Việt Nam hồi tháng 8/2015 và Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury hồi tháng 7/2017. Người dân Bangladesh tới Việt Nam để du lịch. Vì thế, giao lưu nhân dân được tăng cường. Hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác cũng đang mở rộng. Những hoạt động giao lưu văn hóa như Lễ hội Ẩm thực Việt Nam tại thủ đô Dhaka, hay những hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh như việc dịch và xuất bản cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết di chúc” bằng tiếng Bangla và tổ chức các cuộc Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự đã góp phần quan trọng nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Có thể nói, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và sự hiểu biết chính trị cũng như thiện chí được Chính phủ và lãnh đạo hai nước tạo ra là những thành tựu lớn nhất.
Mở ra triển vọng hợp tác mới
Chuyến thăm tới Bangladesh của Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần này mở ra những cơ hội hợp tác mới. Trong chuyến thăm, dự kiến một số bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác song phương trong các lĩnh vực như chăn nuôi, thủy sản, chế tạo máy, văn hóa, đào tạo… sẽ được ký kết. Đặc biệt, Chủ tịch nước cũng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Bangladesh (6/3) và khai mạc Những ngày Văn hóa Việt Nam tại thủ đô Dhaka. Đây là lần đầu tiên một diễn đàn với quy mô lớn dành cho doanh nghiệp hai nước được tổ chức với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu là các doanh nghiệp hai nước. Đây là cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu đạt 1 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương năm 2018. Đây là mức tăng đáng kể và mang tính bứt phá so với các năm trước.
Ngoài ra, khoảng 100 đại diện các công ty hàng đầu Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm lần này cũng có các cuộc gặp riêng với các đối tác Bangladesh để tìm kiếm những tiềm năng thương mại và đầu tư ở Banglades. Hai bên có thể hợp tác với nhau trong lĩnh vực chế tạo vừa và nhỏ, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), chia sẻ những thực tiễn trong việc đạt được những mục tiêu phát triển bền vững.
Các cơ hội hợp tác càng dễ trở thành hiện thực khi Bangladesh đang mong muốn kết nối với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Vì thế, giới ngoại giao ở Dhaka coi chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là rất quan trọng.
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Bangladesh là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới quốc gia này trong vòng 14 năm kể từ năm 2004. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh 2 nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Kết quả của chuyến thăm sẽ một lần nữa khẳng định và thắt chặt mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước, giúp cho hai nước xích lại gần nhau hơn.