(VOV5) - Trong phát biểu tại diễn đàn Quốc hội cũng như trao đổi với báo giới, ngày 07/04, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định một số nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong thời gian tới của Chính phủ.
Đây cũng chính là những vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra khi đề cập những thách thức của cơ quan hành pháp. Giải quyết những thách thức này có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế, đời sống nhân dân cũng như với sự phát triển của đất nước trong 5 năm tới.
|
Kỳ họp quốc hội VN. Ảnh: vov.vn
|
Một số trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo điều hành mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tập trung cải cách hành chính; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; tập trung ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiên tai, hạn hán, nhiễm mặn.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước sức ép hội nhập
Ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ đầu tiên được Thủ tướng nhắc đến. Thực tế cho thấy hoạt động điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ mới được đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng. Kinh tế Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi những biến động của kinh tế - xã hội thế giới. Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Do tính chất hội nhập sâu rộng nên cạnh tranh giữa các quốc gia hết sức khốc liệt. Các nước cũng đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tốt nhất nên Chính phủ cần chú ý giải pháp góp phần tăng năng suất lao động. Bên cạnh yếu tố môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức sản xuất quản trị nhân lực thì yếu tố đổi mới, máy móc thiết bị công nghệ hiện đại là rất quan trọng. Nhưng doanh nghiệp nước ta đầu tư cho khoa học - công nghệ còn hạn chế. Vì vậy, Chính phủ cần có gói hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn đầu tư cho khoa học – công nghệ
|
Các thành viên Chính Phủ |
Với 16 Hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán, Việt Nam đã thực sự trở thành một thành viên tích cực, năng động trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên các nhân tố được xem là động lực, là thành tố trung tâm của năng lực cạnh tranh quốc gia, đang đứng trước sức ép lớn.Trong bối cảnh đó cần quan tâm khu vực doanh nghiệp tư nhân. Ông Phạm Trọng Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, nhìn nhận: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã có một bước phát triển mới về nhìn nhận vai trò kinh tế tư nhân và được đông đảo dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, đó là xác nhận kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Chính phủ cũng khẳng định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Tôi mong sớm được nhìn thấy các chính sách tạo động lực một cách cụ thể, rõ ràng hơn để triển khai cho mục tiêu này.
|
Tân Thủ Tướng tại lễ tuyên thệ nhậm chức |
Đảm bảo tính bền vững trong phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới cũng là yêu cầu quan trọng được đặt ra bởi nông nghiệp tuy chỉ đóng góp khoảng 17%-19% tổng GDP của nền kinh tế nhưng gắn liền với 70% dân số sống ở nông thôn. Theo ông Lê Công Đỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, phát triển ngành nông nghiệp phải đáp ứng 5 chiến lược cơ bản: “ Một là gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm có tính cạnh tranh về chủng loại, quy mô, giá thành. Hai, từng bước khắc phục nhược điểm của sản xuất nông nghiệp Việt Nam, đó là sản xuất phân tán, chất lượng không đồng nhất. Ba, xem xét lại các phương thức và quy mô các ngành không có tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập để có những định hướng và chính sách phù hợp hơn. Bốn là có chiến lược rõ ràng đối với phân khúc các sản phẩm nông nghiệp. Năm là có giải pháp nâng cao khả năng của nông dân trong quản lý nông nghiệp quy mô tập trung”.
Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ gắn với phát triển kinh tế biển
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập,chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đây là nhiệm vụ, trách nhiệm thiêng liêng. Theo nhiều đại biểu, thực hiện nhiệm vụ này cần có những giải pháp đồng bộ trên các mặt như: Chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, đặc biệt là kết hợp kinh tế biển với quốc phòng. Bà Nguyễn Thị Phúc, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho rằng: “Đề nghị Chính phủ quan tâm đúng mức đến các giải pháp, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, đánh giá cụ thể việc triển khai chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đầu tư khắc phục tình trạng xâm thực biển; xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền”.
Kiên quyết phòng, chống tham nhũng
Việc chống tham nhũng theo các đại biểu cần là ý chí chung và Thủ tướng cần hiện thực hóa lời tuyên thệ, lời hứa của mình trước nhân dân và Tổ quốc về quyết tâm phòng, chống tham nhũng. Ông Bùi Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, cho rằng trong nhiệm kỳ này Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhưng việc triển khai và thực hiện chưa quyết liệt. Tham nhũng không dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà lan rộng sang các lĩnh vực nhạy cảm khác; không còn đơn lẻ mà có những mối liên kết khá vững chắc. Từ tình hình trên, Chính phủ coi phòng, chống tham nhũng lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt và cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện hơn, thực hiện một cách quyết tâm hơn. Hơn lúc nào hết, Chính phủ Việt Nam coi việc phòng, chống tham nhũng lãng phí là giặc nội xâm và quyết tâm phòng, chống tham nhũng lãng phí như quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của cả dân tộc.
5 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. 5 năm tới tuy có nhiều khó khăn nhưng với việc nhìn nhận rõ những thách thức, dư luận tin rằng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ là một Chính phủ hành động, tiếp tục đưa đất nước phát triển bền vững.