Thế vận hội Mùa đông PyeongChang và cơ hội cải thiện quan hệ liên Triều

(VOV5) - Đây là lần thứ tư, 2 đoàn cùng diễu hành như vậy tại các kỳ Olympic. 

Ngày mai, 9/02, Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 chính thức khai mạc tại Hàn Quốc. Diễn ra trong 17 ngày, Thế vận hội không chỉ là dịp để các vận động viên thể hiện tài năng chinh phục các thử thách của thể thao mà còn là cầu nối tìm kiếm hòa bình, hóa giải mâu thuẫn. Việc CHDCND Triều Tiên cử phái đoàn đến tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, trong đó có cả những quan chức cấp cao, được kỳ vọng đem đến tín hiệu tích cực trong việc cải thiện quan hệ liên Triều.

Thế vận hội Mùa đông PyeongChang và cơ hội cải thiện quan hệ liên Triều - ảnh 1

Ngày 17/1 vừa qua, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã nhất trí về việc Triều Tiên tham dự Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018. Hai miền sẽ cùng diễu hành và lập đội khúc côn cầu trên băng nữ chung. Đây là lần thứ tư, 2 đoàn cùng diễu hành như vậy tại các kỳ Olympic. Trước đó, 2 miền Triều Tiên đã lập các đội thi đấu chung tại các giải vô địch thế giới về bóng bàn và bóng đá trẻ nhưng chưa bao giờ có đội chung tại bất kỳ Thế vận hội nào.

Hiện Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh do cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chỉ chấm dứt bằng một lệnh đình chiến chứ không phải một hiệp định hòa bình.

Cải thiện quan hệ liên Triều

Những điều mà 2 tháng trước đây, dư luận nghĩ rằng không thể diễn ra thì giờ đây lại trở thành hiện thực. Ngày 7/2, phái đoàn gồm 280 thành viên CHDCND Triều Tiên do Bộ trưởng Thể Thao Kim Il Guk dẫn đầu đã đến Hàn Quốc, trước thời điểm khai mạc Olympic mùa Đông 2 ngày. Trong khi đó, một phái đoàn cấp cao khác do Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam, một trong 3 nhân vật quyền lực nhất CHDCND Triều Tiên, dẫn đầu dự kiến cũng có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ 9/2 để dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018. Như vậy, ông Kim Yong-nam là quan chức cấp cao nhất của CHDCND Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc cho tới nay. Trong phái đoàn cấp cao còn có sự hiện diện của bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người hiện là Phó Chủ nhiệm ban tuyên truyền của Đảng Lao động Triều Tiên.

Tất nhiên lãnh đạo Hàn Quốc rất vui mừng vì sự có mặt của những nhân vật quyền lực phía CHDCND Triều Tiên tại Thế vận hội. Việc tham gia của họ cho thấy CHDCND Triều Tiên nghiêm túc trong việc tìm cách cải thiện quan hệ liên Triều, sẵn sàng giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên cũng như góp phần thực hiện tầm nhìn về “Olympic của hòa bình”.

Không chỉ vậy, những tín hiệu đàm phán cũng đã được các bên bóng gió đề cập nhân dịp này. Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 5/2 cho biết đang trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc đối thoại liên Triều có thể được tổ chức trong thời gian phái đoàn quan chức cấp cao CHDCND Triều Tiên ở Hàn Quốc. Thậm chí, Tổng thống Moon Jae-in đang cân nhắc gặp trực tiếp ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Quốc hội CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, Hoa Kỳ, một nhân tố quan trọng trong giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng để ngỏ khả năng sẽ gặp giới chức CHDCND Triều Tiên tại Hàn Quốc.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy những tín hiệu tích cực về hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục được phát đi trong những ngày qua nhưng không vì thế mà dư luận hy vọng tình hình sẽ có bước chuyển ngay trong thời gian ngắn. Bằng chứng là ngày 7/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi đang ở thăm Nhật Bản đã tuyên bố Mỹ sẽ sớm công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Động thái này nhằm buộc CHDCND Triều Tiên có những bước đi cụ thể hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Đáp lại, CHDCND Triều Tiên cùng ngày đã cấm nhiều tuyến đường ở thủ đô Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho buổi diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang. Bình Nhưỡng đã quyết định đổi ngày kỷ niệm thành lập quân đội từ  25/4 như mọi năm lên ngày 8/2, 1 ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội. Buổi diễu binh là cơ hội để CHDCND Triều Tiên phô trương sức mạnh quân sự khi công bố nhiều loại tên lửa tầm xa và máy bay quân sự.  Trong khi đó, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cũng nêu rõ phái đoàn cấp cao nước này không sẵn lòng gặp gỡ phía Mỹ tại Hàn Quốc.

Quan hệ liên Triều đã có những thay đổi tích cực kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong - un tuyên bố trong Thông điệp đầu Năm mới 2018 về việc 2 miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ. Và sự tham gia của CHDCND Triều Tiên tại Thế vận hội là 1 minh chứng cho thông điệp trên. Dù còn không ít chông gai, nhưng dư luận hy vọng Olympic PyeongChang là một nhân tố thúc đẩy hòa bình trong khu vực, mở đường để Hàn Quốc và CHDCNDTriều Tiên cùng tồn tại hòa bình thay vì căng thẳng, đối đầu quân sự.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác