Thêm dấu hiệu căng thẳng ở Trung Đông

(VOV5) - Việc Saudi Arabia xử tử 47 người bị kết tội "khủng bố", trong đó có Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Nimr al-Nimr đã và đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế và làm dấy lên làn sóng biểu tình trong cộng đồng người Hồi giáo dòng Shi’ite ở Trung Đông, đặc biệt gia tăng căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi. Vụ việc được nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực.

Thêm dấu hiệu căng thẳng ở Trung Đông - ảnh 1
Ảnh:tuoitre.vn


Vụ xử tử giáo sĩ al-Nimr cùng với 46 người khác đã gây thêm chia rẽ sâu sắc tại Trung Đông, khu vực chưa bao giờ thiếu những những bất đồng, bạo lực nhuốm màu sắc tôn giáo. Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra trên đường phố sau vụ xử tử, làm rạn nứt quan hệ ngoại giao nghiêm trọng giữa các nước trong khu vực.

 

Diễn biến căng thẳng

Trong một diễn biến mới nhất, Arab Saudi hôm qua (3/1) bất ngờ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, đồng thời ra tối hậu thư cho các nhà ngoại giao Iran phải rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ. Chỉ vài giờ sau tuyên bố của Arab Saudi, Bahrain, Sudan và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), các quốc gia đồng minh của Arab Saudi đều do người Hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo, cũng khẳng định cắt đứt quan hệ ngoại giao và hạ cấp quan hệ với Iran. Các tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao được đưa ra sau khi đông đảo người biểu tình Iran tấn công, ném bom xăng vào đại sứ quán Arab Saudi tại Tehran để phản đối việc Arab Saudi xử tử giáo sĩ nổi tiếng Nimr al-Nimr. Những người biểu tình đã xông vào tòa nhà, đập phá đồ đạc và đốt phá trước khi bị cảnh sát đẩy lùi.

 

Vụ xử tử giáo sĩ al-Nimr đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong thế giới người Hồi giáo. Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao Iran, tuyên bố Arab Saudi sẽ chứng kiến đòn trả thù dã man. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ra thông báo khẳng định cái chết của giáo sĩ al-Nimr thề sẽ lật đổ vương triều Arab Saudi. Nhiều cuộc biểu tình cũng nổ ra ở nhiều quốc gia trong khu vực, nơi có đông người Hồi giáo dòng Shi’ite. Tại Iraq, hàng trăm người đã biểu tình phản đối tại thành phố Karbala linh thiêng của người Shi'ite. Nhà lập pháp Khalaf Abdelsamad đã kêu gọi đóng cửa Đại sứ quán của Arabia Saudi tại thủ đô Baghdad và hối thúc chính phủ trục suất Đại sứ Arabia Saudi. Trong khi đó, Mỹ, phương Tây đều bày tỏ quan ngại trước vụ việc này và lên án hành vi xử tử hình là một hình phạt vô nhân đạo, đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo Trung Đông nỗ lực giảm leo thang căng thẳng khu vực. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi tất cả các bên trong khu vực bình tĩnh và kiềm chế, tìm mọi cách để tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng tôn giáo.

 

Nối dài xung đột trong quá khứ

Giáo sĩ Nimr al-Nimr từ lâu đã được coi là người lãnh đạo dòng Shiite có tiếng nói mạnh mẽ nhất ở Arab Saudi. Ông đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích gia đình hoàng gia Arab Saudi và kêu gọi biểu tình ủng hộ dân chủ. Năm 2012, ông bị cáo buộc đứng đằng sau các cuộc tấn công vào lực lượng cảnh sát và bị bắt. Tháng 10/2015, tòa án tối cao của Arab Saudi đã bác đơn kháng cáo án tử hình của ông Nimr al-Nimr

 

Từ lâu mối quan hệ giữa hai cường quốc trong khu vực Trung Đông là Iran và Arab Saudi luôn được coi là phức tạp, xung đột lâu dài về hàng loạt vấn đề, đặc biệt là sự khác biệt về tôn giáo trên nền mâu thuẫn về kinh tế và chính trị. Ở vương quốc Arab Saudi tồn tại chế độ quân chủ Sunni, trong khi Cộng hòa Hồi giáo Iran lại là trung tâm Hồi giáo Shiite của thế giới. Sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 tại Iran, quan hệ giữa hai nước đã trở thành một loại hình cạnh tranh căng thẳng trong khu vực. Mâu thuẫn về ý thức hệ, các yếu tố dân tộc và tôn giáo, vị thế địa chính trị tại Trung Đông.. khiến quan hệ hai quốc gia này gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, mối quan hệ giữa hai cường quốc Trung Đông đã xấu đi rõ rệt bởi cuộc cách mạng xã hội - chính trị quy mô lớn trong khu vực vào năm 2011, với tên gọi Mùa xuân Arab. Đồng thời, Syria cũng trở thành “mặt trận mới” trong cuộc đấu tranh chính trị giữa Arab Saidi và Iran. Trong đó, quan điểm của Riyadh và Tehran hoàn toàn trái ngược. Iran hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, còn Arab Saudi là nhà tài trợ chính cho phe đối lập. Một yếu tố nữa làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa hai nước, đó là tình hình ở Yemen, nơi phe nổi dậy Houthi (dòng Shi’ite) nắm quyền lực sau khi lật đổ chính phủ thân Arab Saudi. Riyadh cho rằng Iran hậu thuẫn quân nổi dậy Houthi ở Yemen.

 

Trong bối cảnh như vậy, vụ xử tử giáo sĩ al-Nimr có nguy cơ khoét sâu mâu thuẫn giữa người Hồi giáo thuộc hai phái Shi’ite và Sunni trong khu vực, thậm chí toàn thế giới. Các chuyên gia cảnh báo nếu cộng đồng quốc tế không khẩn trương xúc tiến một tiến trình ngoại giao mới để đưa Arab Saudi và Iran ngồi vào bàn đàm phán thì mâu thuẫn giữa Arab Saudi và Iran sẽ càng gieo rắc thêm xung đột ở Trung Đông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác