Thúc đẩy các giải pháp phát triển việc làm sau đại dịch Covid- 19

(VOV5) - Việt Nam đang khống chế thành công dịch Covid-19. Nền kinh tế đang trên đà khôi phục trở lại nên cần phải đào tạo lại kỹ năng và kết nối cung – cầu trên thị trường lao động. 

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã kiểm soát cơ bản dịch Covid- 19, nhưng dịch đã tác động trực tiếp và nặng nề đến thu nhập, đến sinh kế của người lao động, nhất là những người lao động nghèo. Sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này là kiến nghị của nhiều cử tri và cũng là tâm tư của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu lao động Việt Nam tại khu vực chính thức và phi chính thức mất việc làm. Đến nay, khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất, vấn đề đặt ra là giải quyết việc làm cho những người đã bị mất việc, đảm bảo số lượng lao động cung ứng trở lại cho thị trường lao động.

Thúc đẩy các giải pháp phát triển việc làm sau đại dịch Covid- 19 - ảnh 1Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bàn giải pháp phát triển việc làm sau đại dịch Covid-19..
Ảnh minh họa/ quochoi.vn

Đảm bảo lao động có kỹ năng

Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nhận định, với các quyết sách của Chính phủ và nỗ lực đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động sản xuất, dịch vụ phục hồi thì sẽ có khoảng 70.000 đến 80.000 lao động ở các khu vực sẽ từng bước quay lại thị trường lao động. Vì vậy, các địa phương, doanh nghiệp cần ưu tiên hàng đầu là tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực, đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị.             

"Yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động. Hệ lụy rất lớn của chúng ta là nếu cắt giảm nhân sự hàng loạt thì chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất quay trở lại. Vì vậy, Bộ trình với Thủ tướng ban hành Chỉ thị về vấn đề này. Sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành khoảng 3.000 đến 5.000 tỷ đồng (130 triệu - 214 triệu USD) từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Dự kiến, sẽ có khoảng 1 triệu  lao động được đào tạo lại."

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội, cần tập trung vào từng nghề mũi nhọn và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động để tạo công ăn việc làm cho người lao động: "Chúng ta cũng cần phát triển các ngành nghề mới, đặc biệt là tập trung quan tâm cho hộ kinh doanh cá thể. Nhu cầu tuyển dụng các ngành cung ứng dịch vụ kết nối qua mạng, thương mại điện tử, sản phẩm dệt may, thiết bị y tế, dược phẩm... chắc chắn sẽ tăng. Quốc hội và chính phủ cần ban hành chính sách mới để địa phương và các bộ, ngành vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp như là các gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ, thực hiện các chế độ giảm, miễn, lùi đóng thuế, phí…tập trung cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ nhất trong bối cảnh khó khăn."

Kết nối cung - cầu lao động

Tại địa phương, nhiều tỉnh, thành phố xây dựng đề án về cung ứng lao động đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Sở lao động, thương binh và xã hội Hà Nội kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các hiệp hội lao động, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, trung tâm dịch vụ việc làm để xác định nhu cầu đào tạo và triển khai đào tạo. Tính đến cuối tháng 4, trong 1.600 doanh nghiệp được khảo sát trên địa bàn, có khoảng 1.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với chỉ tiêu khoảng 13.000 việc làm. Các vị trí cần tuyển dụng chủ yếu là công nhân sản xuất, kỹ sư cơ khí, chế tạo, may mặc... nhu cầu tuyển dụng khá đa dạng.

Tại Đồng Nai, để giúp người lao động tìm được việc làm sau dịch bệnh, Công đoàn khu công nghiệp đã kết nối người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn trong Khu công nghiệp Biên Hòa. Theo đó, đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thất nghiệp. Trong khi đó, dự án “Việc làm trao tay, đánh bay COVID-19” được phát động từ cuối tháng 4 đã góp phần kết nối 200 nghìn cơ hội việc làm.

"Chúng tôi khởi động chương trình này nhằm kết nối doanh nghiệp với người lao động, người sử dụng lao động để làm sao người lao động mất việc sẽ có việc làm. Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp mở lại và tiếp tục sản xuất. Việc khởi động dự án Việc làm trao tay sẽ tạo đà cho các bước tiếp theo để kết nối các doanh nghiệp với người lao động, kết nối người mất việc với doanh nghiệp đang cần người." Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết:

Việt Nam đang khống chế thành công dịch Covid-19. Nền kinh tế đang trên đà khôi phục trở lại. Việc đào tạo lại kỹ năng cho người lao động cũng như kết nối cung – cầu trên thị trường lao động sẽ giúp  người lao động có nhiều cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống sau dịch Covid – 19.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác