(VOV)- Để nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập, các doanh nghiệp đang ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cũng hỗ trợ tài chính cho các nhà khoa học trong nghiên cứu công nghệ mới phục vụ sản xuất. Xã hội hóa công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ hiện là xu thế tất yếu và là định hướng phát triển Khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Xã hội hóa công tác nghiên cứu và chuyển giao
công nghệ là xu thế tất yếu
Nâng cao công nghệ trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp, do vậy, sự liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức khoa học, các nhà khoa học là xu thế tất yếu. Nhiều công nghệ mới tiên tiến đang được các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế. Ông Hà Thế Phương, giám đốc Công ty Cổ phần bê tông dự ứng lực PVC tỉnh Hà Nam cho biết: “nếu không có sự hỗ trợ của các nhà khoa học, chắc chắn công ty không thể đạt được thành công như hôm nay”. Công ty PVC đã đầu tư riêng cho mình một viện nghiên cứu khoa học với tên gọi Viện nền móng công trình. Kết quả nghiên cứu của viện nền móng công trình giúp công ty PVC chủ động các phương án thi công, bên cạnh đó các nhà khoa học cũng hỗ trợ công ty sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Ông Hà Thế Phương nói: “Có lẽ chúng tôi là đơn vị tư nhân đầu tiên có Viện nền móng công trình để hỗ trợ cho tất cả các hoạt động, trong đó có hỗ trợ hoạt động sản xuất cọc bê tông. Viện của chúng tôi có 12 tiến sỹ và giáo sư đầu ngành về địa chất công trình tham gia vào Hội đồng khoa học ở Viện. Đội ngũ tiến sỹ, thạc sỹ ở Viện tham gia rất tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Vì vậy chúng tôi được hỗ trợ rất lớn.”
Ở các quốc gia có nền khoa học phát triển, tính cạnh tranh lớn, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho nghiên cứu khoa học để tồn tại. Còn tại Việt Nam, thực trạng hiện nay cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ tầm và lực. Đa phần các doanh nghiệp còn đang xoay xở trong việc tăng doanh thu, tạo việc làm cho người lao động; do vậy việc nghiên cứu, đổi mới công nghệ hầu như không được chú trọng. Không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được tầm quan trọng đặc biệt của việc hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp vẫn chưa tính tới chuyện tự phát triển công nghệ cho phù hợp với nhu cầu của mình.
Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ, ông Trần Văn Tùng, cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành những doanh nghiệp khoa học công nghệ: “Lực lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ là loại hình sẽ dựa vào các kết quả nghiên cứu, các sáng chế, các giải pháp hữu ích được bảo hộ để doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và hoạt động có hiệu quả. Theo tính toán, với số lượng không nhiều nhưng dự kiến các doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam sẽ có doanh thu đóng góp vào nền kinh tế đất nước khoảng 9 tỷ đô la đến năm 2020. Hiện nay, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Khoa học Công nghệ để tạo điều kiện phát triển loại hình doanh nghiệp mới, đưa ra lực lượng sản xuất mới tại Việt Nam”
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ trong khối các doanh nghiệp Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ mới chỉ giới hạn ở việc thống kê danh mục công nghệ. Trong một cuộc hội thảo gần đây giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và cơ quan hợp tác quốc tế Wallonie-Bruxelles, Vương quốc Bỉ, với chủ đề “Vai trò của chủ thể các cơ quan chuyển giao công nghệ trong phát triển con người và kinh tế”, Giáo sư Claude jamar, hiệu trưởng trường Đại học Liege vùng Wallonie, Bỉ cho rằng, Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò nghiên cứu của các Viện nghiên cứu tại các trường đại học và các trung tâm chuyển giao công nghệ, có mối liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp để hiện thực hoá các nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Các chuyên gia khác tại hội thảo cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành mục tiêu quan trọng, và điều này phụ thuộc rất lớn vào năng lực công nghệ của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, ngoài giải pháp về hoạt động xúc tiến thương mại, việc xúc tiến đầu tư công nghệ là yếu tố rất quan trọng. Để làm được điều này, trước hết các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng một lộ trình đổi mới công nghệ phù hợp với điều kiện của mình, chủ động liên kết với các đơn vị nghiên cứu khoa học, đồng thời áp dụng các ứng dụng của khoa học tiên tiến một cách hợp lý để từ đó tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cùng chung tay góp sức để thúc đẩy nền khoa học công nghệ Việt Nam có những bước tiến mới. Đây cũng là tiền đề cho thành công của các doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của đất nước./.