(VOV5) - Ngày 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Hội nghị do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu thực chất và hiệu quả. Đồng thời, dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 do WEF tổ chức, Việt Nam muốn chuyển tải thông điệp một Việt Nam trách nhiệm, tích cực đóng góp trong các vấn đề toàn cầu.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Tin cậy chính trị Việt Nam – Trung Quốc được tăng cường; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư duy trì tăng trưởng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VOV |
Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Việt Nam đã và đang là đối tác tin cậy, thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương.
Triển khai toàn diện kết quả và nhận thức chung Việt Nam-Trung Quốc
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định các biện pháp nhằm triển khai toàn diện nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước trong cuộc gặp cuối năm ngoái, tạo xung lực cho việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế - thương mại, đầu tư.
Phó Viện trưởng thường trực Dong Yu của Viện Quy hoạch phát triển Trung Quốc, thuộc Đại học Thanh Hoa, nhận định: "Chúng ta thấy một điểm rất quan trọng là Việt Nam hết sức coi trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số. Trong khi những năm gần đây, Trung Quốc cũng đẩy nhanh đạt đỉnh và trung hòa carbon. Do vậy, hai nước có rất nhiều dư địa hợp tác. Đặc biệt, Việt Nam đang phát triển mạnh thương mại điện tử, còn Trung Quốc có nền tảng vững chắc về mặt này. Việt Nam cũng là một nước lớn về dân số với 100 triệu dân, nhiều hàng hóa Trung Quốc rất muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam. Có thể thấy, hai bên sẽ tìm được thêm nhiều cơ hội và điểm trùng khớp qua quá trình trao đổi hợp tác kinh tế, thương mại."
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính tiến hành hội đàm. Ảnh: VOV |
Cũng thông qua chuyến thăm lần này, lãnh đạo cấp hai nước tiếp tục trao đổi các biện pháp nhằm kiểm soát tốt bất đồng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên biển, tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, góp phần tích cực vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hai nước, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-WEF
Ngày 27/6, dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Hội nghị do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức, có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị của diễn đàn tại Davos (Thụy Sỹ), Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại Phiên toàn thể và một vài phiên thảo luận trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị. Ngay từ chiều 26/6, Thủ tướng cùng lãnh đạo WEF đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc và có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước và các tập đoàn dự Hội nghị.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai khẳng định: "Sự tham gia của đoàn Việt Nam cùng các nước, tổ chức và tập đoàn hàng đầu thế giới sẽ góp phần đề xuất các giải pháp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của tư nhân và hợp tác công-tư, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như phát triển xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…
Khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, trong đó có Việt Nam, thời gian qua đã tích cực đổi mới mở cửa, duy trì đà tăng trưởng ổn định, trở thành động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực và thế giới, đồng thời giữ vai trò là trung tâm liên kết thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Thông qua Hội nghị lần này, Việt Nam chuyển tải thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam; nắm bắt những vấn đề, xu thế mới của kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển và quản trị ở tầm toàn cầu, khu vực và quốc gia trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển đổi sâu sắc, qua đó nâng cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF ngày càng hiệu quả, thực chất. Đồng thời, tham dự Hội nghị là cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác với các tập đoàn toàn cầu và khu vực, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc, tiếp tục củng cố môi trường quốc tế thuận lợi, thu hút các nguồn lực bên ngoài, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF tại Thiên Tân chắc chắn góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, cũng như mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và WEF, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.