Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Iceland

(VOV5) -  Hôm nay (4/11), Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar Grímsson và Phu nhân bắt đầu các hoạt động trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 4-6/11 theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Chuyến thăm của Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương, mở ra các cơ hội khai thác tối đa tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Iceland - ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iceland Ólafur Ragnar Grímsson

Iceland là quốc gia đảo thuộc Bắc Âu, có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất thế giới với hơn 51 nghìn USD/năm. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao hàng đầu thế giới trong thời gian dài đã đưa Iceland từ một nước có thu nhập thấp của châu Âu trở thành một nước công nghiệp phát triển, được xem là hình mẫu cho các nước đang phát triển nghiên cứu, học hỏi. Là một nước đang phát triển ở Đông Nam Á, Việt Nam và Iceland có nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư.


Quan hệ song phương phát triển tốt đẹp

Việt Nam và Iceland duy trì quan hệ hữu nghị tốt đẹp từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Giữa hai nước đang duy trì mối quan hệ song phương tích cực. Trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước có Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Iceland tháng 6/1995, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Iceland tháng 9/2002; Thủ tướng Iceland thăm Việt Nam tháng 4/2002. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Iceland tháng 9/2011.

Hai nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định vận tải hàng không. Tuy nhiên, cho đến nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iceland vẫn còn ở mức thấp, kim ngạch buôn bán giữa hai nước còn rất khiêm tốn. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Iceland các mặt hàng như sản phẩm gỗ, dệt may, rau quả… Trong khi đó, Iceland xuất khẩu nguyên liệu hải sản và một số lượng nhỏ máy móc sang Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 mới đạt 6 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2015 đạt 9 triệu USD. Chính với thực tế này, với tiềm năng của mỗi nước, hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Iceland còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Việt Nam là 1 trong 9 nước nhận viện trợ phát triển của Iceland. Năm 2005, Ireland cam kết cung cấp cho Việt Nam 3,5 triệu Euro vốn ODA và các năm sau luôn cao hơn năm trước, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam là xóa đói giảm nghèo, y tế, nâng cao năng lực thể chế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách hành chính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Về quan hệ quốc phòng, Việt Nam và Ireland đang triển khai kế hoạch hợp tác trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, hợp tác xử lý hậu quả chất độc da cam, tìm kiếm cứu nạn.


Nhiều tiềm năng hợp tác

Việt Nam và các nước khối EFTA (trong đó có Iceland) đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do, phấn đấu hoàn tất trong năm 2015. Hiện Việt Nam và Iceland đã ký “Hiệp định tránh đánh thuế hai lần”, “Tuyên bố các lợi ích tương hỗ trong việc tạo thuận lợi cho thương mại giữa Việt Nam và Iceland”, “Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư”, “Hiệp định vận tải hàng không”. Iceland cũng đã thông qua chương trình hợp tác với Việt Nam về thủy sản, trong đó có việc nhận cán bộ Việt Nam sang học tập tại trường thủy sản của Liên hợp quốc tại Iceland, cử chuyên gia sang Việt Nam tổ chức hội thảo, mở lớp tập huấn… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam tại Iceland hiện có khoảng 1.000 người, phần lớn sống tại Thủ đô Reykjavik, có cuộc sống và việc làm ổn định, tôn trọng pháp luật. Bà con tạo dựng được cuộc sống đầy đủ, xây dựng được mối quan hệ tốt với chính quyền và nhân dân nước bạn và luôn có ý thức duy trì truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc và hướng về cội nguồn. Đây chính là cầu nối quan trọng để Việt Nam và Iceland thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.

Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Iceland Ólafur Ragnar Grímsson là cơ hội tốt để hai nước thúc đẩy khai thác các thế mạnh và tiềm năng hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu cơ hội làm ăn, thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) mà Iceland là thành viên, đồng thời, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Iceland Ólafur Ragnar Grímsson sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác