(VOV5)- Tại phiên họp ngày 17/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ ra các nhiệm vụ cụ thể trong phòng, chống tham nhũng từ nay đến cuối năm. Một ngày sau đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tiến hành Phiên giải trình Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Các phiên họp cho thấy quyết tâm phòng, chống tham nhũng của các cấp nhằm từng bước đẩy lùi loại tội phạm này.
|
Ảnh: qdnd.vn |
Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả tích cực trong đó phải kể đến việc thành lập, củng cố về tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Kết quả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng ngân sách cho thấy đã phát hiện vi phạm hơn 12 nghìn tỷ đồng, kiến nghị thu cho ngân sách nhà nước gần 5 nghìn tỷ đồng. Các cơ quan pháp luật cũng khởi tố 116 vụ với 266 bị can về tội danh tham nhũng.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa nhận tham nhũng trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước đã từng bước được hạn chế nhưng một số lĩnh vực nhạy cảm như tín dụng, ngân hàng, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước vẫn còn tham nhũng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp. Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thiếu các quy định về biện pháp bảo đảm thi hành các quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra.
Thực trạng trên đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể hơn để thực hiện mục tiêu chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đề ra. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhất trí tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, sẽ tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; khẩn trương xây dựng các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; sớm ban hành Đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản; Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Việc triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm cũng được đề cập. Ban Chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Để làm được những việc trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát một số ngành và địa phương. Đề cập nhiệm vụ này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhấn mạnh: Ban Nội chính (cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng) là một đầu mối, có trách nhiệm chủ trì, mời các cơ quan liên quan, các trưởng ngành cùng ngồi bàn, xử lý những ý kiến về quan điểm khác nhau, những vướng mắc. Nếu vẫn còn vướng thì Ban nội chính báo cáo với Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Quyết rồi thì phải làm. Như thế ở dưới sẽ dễ làm.”.
Thực tế cũng cho thấy, nguyên nhân khiến việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan hành chính Nhà nước gặp khó khăn còn do cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa đồng bộ. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, kiến nghị: “Để hạn chế tình trạng tham nhũng và lợi ích nhóm, Nhà nước cần phải kiểm tra chặt chẽ nhừng thủ tục hành chính có nguy cơ hình thành những nhóm lợi ích để từ đó, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Thứ 2 là phải có một cơ chế kiểm soát quyền lực đối với những người được giao quyền hạn để tránh tập hợp các nhóm lợi ích. Lãnh đạo cấp trên phải thường xuyên kiểm tra, giám sát cấp dưới, cần tăng cường công khai minh bạch các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho nhân dân, doanh nghiệp giám sát nhiệm vụ, công vụ của mình trong phạm vi cán bộ công chức.”.
Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ lâu dài và phức tạp. Việc từng bước thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chống tham nhũng không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn củng cố lòng tin của người dân vào các nỗ lực chống tham nhũng của bộ máy công quyền./.