Thương mại và hội nhập khu vực Châu Á -Thái Bình Dương thời kỳ mới

(VOV5) - Viện Chính sách thuộc Hội Châu Á (Asia Society Policy Institute) tại Hoa Kỳ vừa tổ chức sự kiện công bố báo cáo “Xác định một lộ trình cho hội nhập kinh tế-thương mại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu nói chung và và khu vực Thái Bình Dương nói riêng hiện đang chịu nhiều thách thức, báo cáo đặt ra cho khu vực nhu cầu cấp thiết phải tìm hướng đi mới cho hội nhập khu vực.

Thương mại và hội nhập khu vực Châu Á -Thái Bình Dương thời kỳ mới - ảnh 1
Quang cảnh buổi lễ công bố báo cáo với chủ đề “Xác định một lộ trình cho hội nhập kinh tế-thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Ảnh: Thanh Tuấn-Phóng viên TTXVN tại Mỹ


Thương mại toàn cầu giảm tốc, các hiệp định thương mại hiện có không theo kịp sự phát triển của thương mại, đặc biệt là làn sóng người dân hoài nghi, thậm chí là chống tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa mạnh lên, thể hiện qua kết quả trưng cầu dân ý việc Anh rút khỏi EU và bầu cử 2016 tại Mỹ, Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Tất cả những điều này đặt chính sách thương mại của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trước những bước ngoặt quan trọng.


Tìm hướng đi mới cho hội nhập khu vực

Trước những sự thay đổi của thế giới tác động không nhỏ đến thương mại toàn cầu, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương buộc phải tìm cho mình một hướng đi mới để gánh vác trọng trách là khu vực đóng góp gần 60% GDP toàn cầu và chiếm gần 50% giao thương trên thế giới.


Vì vậy, báo cáo do các chuyên gia hàng đầu về thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đưa ra khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách Châu Á-Thái Bình Dương cần coi các hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao tiếp tục là phương cách tốt nhất để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Theo đó, tiếp tục sử dụng mô hình các tiêu chuẩn cao của TPP ở khu vực, bao gồm cả việc đưa các tiêu chuẩn này vào nội hàm cải cách của mỗi nước và vào các khuôn khổ đàm phán song, đa phương khác; Cùng với đó là tăng tiêu chuẩn trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), theo đuổi các cơ hội tự do hóa thương mại khu vực thông qua các nỗ lực song phương, đa phương, đặc biệt tại các diễn đàn như APEC.


Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra cuối năm 2016 tại Peru, các nhà lãnh đạo đều tái khẳng định cam kết kiên trì với tự do hóa thương mại. Mặc dù lo ngại về các chính sách của chính quyền mới của Mỹ nhưng các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC đều cho rằng việc Mỹ rút khỏi TPP không thể ảnh hưởng đến mục tiêu tập trung thúc đẩy tự do hóa thương mại và các thỏa thuận tự do thương mại (FTA).


Nhiều lựa chọn thương mại khác

Nhiều nước hiện đang tìm kiếm các thỏa thuận tự do thương mại khác thay thế cho TPP, trong đó thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hội tụ 10 quốc gia ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia, dường như đang là lựa chọn tối ưu. Quá trình đàm phán RCEP vẫn đang tiếp tục và dự kiến sẽ kết thúc vào giữa năm nay. Nếu như Hiệp định TPP nhấn mạnh vào các mảng quan trọng đối với các nước phát triển, chẳng hạn như những điều kiện kinh doanh, các tiêu chuẩn, quy định và bảo vệ sở hữu trí tuệ, thì Hiệp định RCEP chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ. Điều này theo các nhà quan sát, không có nghĩa là RCEP ít tham vọng hơn TPP mà ngược lại RCEP không có sự phân biệt đối xử, ví dụ như đề ra những tiêu chuẩn của “nước phát triển” mà các nước muốn tham gia hiệp định cần phải đáp ứng, ví dụ tự do hóa 100% thương mại hàng hóa với phạm vi áp dụng toàn diện, sẽ giúp tạo thuận lợi hóa thương mại khu vực, khuyến khích hợp tác. Trung Quốc, nước từng bị gạt ra ngoài lề thỏa thuận TPP, tất nhiên đang tận dụng cơ hội này để bố cục lại bức tranh thương mại châu Á bằng việc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại của riêng mình. Ngoài RCEP, để tăng cường sự ảnh hưởng trong khu vực, Bắc Kinh cũng đang đẩy nhanh dự án Khu vực Tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), hội tụ toàn bộ 21 thành viên APEC.


Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định
trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, việc Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thương mại toàn cầu, kìm hãm giao thương và đầu tư. Trong bối cảnh một loạt cú sốc đã, đang và sẽ diễn ra đối với nền kinh tế toàn cầu, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cần tiếp tục đóng một vai trò trung tâm và điều phối trong khu vực này như một liên minh kinh tế có uy tín và ảnh hưởng nhất tại khu vực, nhằm xây dựng một cộng đồng khu vực thịnh vượng và năng động. Với hơn 140 thỏa thuận FTA hiện có giữa các nền kinh tế trong khu vực, cùng với các dự án thuận lợi hóa thương mại như RCEP, Diễn đàn hợp tác APEC vẫn được xem là một khuôn khổ quan trọng để các thành viên trao đổi ý tưởng và thảo luận biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác