Tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

(VOV5) - Trong dài hạn, các doanh nghiệp cần có thêm chính sách, cơ chế ưu đãi, nhất là hỗ trợ về tài chính để đẩy nhanh tốc độ khôi phục sản xuất, kinh doanh. 

Dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay đã tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ. Để giúp doanh nghiệp phục hồi "sức khỏe", hàng loạt giải pháp đã được Chính phủ triển khai trong thời gian vừa qua. Sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước đang là tiếp sức, đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, từng bước vượt qua thử thách.

Tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng ngày 9/5/2020. - Ảnh: TTXVN

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp nhằm hồi phục kinh tế trong và sau đại dịch, như ban hành các nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó Nhà nước chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Chính phủ cũng đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 4 nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020; về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân…

Triển khai các gói giải pháp kịp thời, đồng bộ

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã xây dựng một Đề án toàn diện, đồng bộ xung quanh vấn đề chăm lo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như người lao động ổn định sản xuất và đời sống, giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn: “Bộ đã triển khai hướng dẫn việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí và tử tuất theo nguyên tắc những doanh nghiệp có trên 50% người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và doanh nghiệp bị 50% thiệt hại do ảnh hưởng của dịch. Bên cạnh đó, Bộ đã và đang trình Chính phủ có thể nâng cao mức hỗ trợ và tập trung mở rộng hơn đối tượng bao gồm tất cả những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch thì đều được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Thứ hai là tất cả những doanh nghiệp  không khống chế tỷ lệ 50% mà thậm chí 10% người lao động bị ảnh hưởng thì đều được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội”.

Tiếp sức doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch - ảnh 2Công nhân Công ty cổ phần Daikin Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên) làm việc tại dây chuyền lắp ráp máy điều hòa không khí. - Ảnh: Anh Đức/nhandan.com.vn 

Bên cạnh các biện pháp như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất…, Chính phủ còn có các gói hỗ trợ cho các đối tượng là người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đối thoại với doanh nghiệp nhằm khích lệ động viên tinh thần doanh nhân nỗ lực vượt khó, kịp thời nắm bắt, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Tại các cuộc gặp này, Thủ tướng luôn nhấn mạnh tinh thần: “Tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương không thể khoanh tay đứng nhìn, không thể vô cảm trước khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Tất cả Chính phủ, thành viên Chính phủ thống nhất quan điểm nỗ lực hành động để hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội năm nay, năm 2021 và các năm tiếp theo”.

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo nhiều chuyên gia nhận định, có lẽ, 9 tháng vừa qua vẫn chưa phải là thời điểm khó khăn nhất đối với nhiều doanh nghiệp. Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, thông thương hạn chế. Doanh nghiệp sản xuất vẫn đang phải chịu tác động lớn từ đại dịch. Do đó, trong dài hạn, các doanh nghiệp cần có thêm chính sách, cơ chế ưu đãi, nhất là hỗ trợ về tài chính để đẩy nhanh tốc độ khôi phục sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh, thích nghi với tình hình mới, chính phủ cần có sự khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Như So, đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Ninh cho rằng: “Đẩy mạnh chính sách về tài khóa và tiền tệ cần chú trọng hai vấn đề. Thứ nhất cần quan tâm tới chính sách dòng tiền. Vì có tiếp cận được với dòng tiền, doanh nghiệp mới kích hoạt được cỗ máy kinh doanh tái khởi động. Do vậy cần có thêm gói cho vay với lãi suất thấp hơn, tăng cơ hội tiếp cận vốn đến doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản trước khi tiếp cận được vốn để cải thiện dòng tiền”.

Hiện tại, Chính phủ đang tiếp tục rà soát lại các gói hỗ trợ để nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng, cân nhắc khả năng mở rộng những gói hỗ trợ, thời gian, thời hạn và cả đối tượng cần hỗ trợ. Dịch bệnh ở Việt Nam đã đang được kiểm soát tốt và doanh nghiệp Việt Nam, có sự tiếp sức từ Chính phủ, đang quyết tâm phục hồi trong môi trường, điều kiện mới để tiến lên.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác