Tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

(VOV5)- Khi thảo luận các giải pháp điều hành kinh tế xã hội những tháng cuối năm, trong phiên họp thường kỳ tháng 6-2012, Chính phủ Việt Nam khẳng định tiếp tục kiên định và không thay đổi mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp quyết liệt hỗ trợ sản xuất và thị trường, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP hợp lý đã đề ra.


Tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu nhanh chóng khơi thông dòng vốn để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Ảnh:Chinhphu.vn



Theo kết luận tại phiên họp, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2012 của Việt Nam đạt được kết quả khá toàn diện, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra trên tất cả các mặt. Tăng trưởng kinh tế cả nước có tín hiệu khả quan. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP ước tăng 4,38% và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dấu hiệu hồi phục sản xuất công nghiệp ngày càng rõ nét. Tốc độ tăng giá tiêu dùng liên tục giảm, là cơ sở để điều hành đạt mục tiêu lạm phát năm nay ở mức 7-8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm. Như vậy, Chính phủ thống nhất nhận định mặc dù còn có những khó khăn, nhưng điều đáng mừng là tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam đang đi đúng hướng.


Tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát - ảnh 2

Chính phủ khẳng định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Ảnh: Chinhphu.vn



Sau khi phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội những tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trong những tháng cuối năm 2012, quan điểm nhất quán của Chính phủ là vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, chưa thay đổi, điều chỉnh bất cứ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nào. Theo đó, tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 5,2% – 5,7%. Để đạt mục tiêu này, một trong những khu vực kinh tế cần bắt tay ngay vào khắc phục những hạn chế là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Tôi đề nghị các bộ trưởng khẩn trương tính toán tái cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước. Qua thực tế, hãy xem lại quy mô, phạm vi, tổ chức sản xuất kinh doanh, dứt khoát chỉ tập trung vào ngành nghề chính, sắp xếp lại sản xuất kinh doanh trong phạm vi ngành nghề chính. Đó là một hướng. Hướng thứ hai là phải đổi mới lại quản trị, quản lý, có cơ chế nội bộ đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thứ ba là chú ý kiện toàn bộ máy tổ chức. Chính phủ cũng sẽ làm rõ lại phân công, phân cấp thực hiện quyền và trách nhiệm của đơn vị chủ quản doanh nghiệp.


Tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát - ảnh 3

Trong những tháng cuối năm, Chính phủ đặt trọng tâm điều hành là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tiêu thụ hàng tồn kho. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động, linh hoạt trong xử lý nợ xấu; khẩn trương cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu ở 7-8%,  nhanh chóng khơi thông dòng vốn bằng cách giảm lãi suất cho vay để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Về điều này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết: Theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì tới đây chúng tôi sẽ có sơ kết và quán triệt toàn ngành là không chờ đến hạn, tất cả các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng ngay lập tức làm việc với các doanh nghiệp để doanh nghiệp nào đang chịu lãi suất cho vay trên 15% mà doanh nghiệp còn khả năng tồn tại thì đưa xuống dưới 15% để doanh nghiệp còn có cơ hội phát triển.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tập trung tháo gỡ, hỗ trợ cho sản xuất, trong đó có tăng tín dụng, giải ngân cho hết số vốn đã bố trí, uu tiên tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Các bộ, ngành đồng thời nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu qua các hàng rào kỹ thuật, nhất là kiểm soát, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông sản. Xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và kiểm soát chặt chẽ lượng hàng nhập khẩu.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa một các hợp lý, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm tăng tổng cầu của nền kinh tế; thực hiện các biện pháp hỗ trợ thuế đúng đối tượng ưu tiên nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh và kích thích tổng cầu phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia...để kích thích nhu cầu trong nước, quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân./.

Phản hồi

Các tin/bài khác