(VOV5) - Năm 2023 là một năm sôi động về đối ngoại của Việt Nam với nhiều dấu ấn nổi bật, đặc biệt là trên bình diện ngoại giao đa phương.
Năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp bằng những sáng kiến và hành động cụ thể, khẳng định một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng chung tay giải quyết các thách thức mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.
Hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam được triển khai với phương châm: tích cực, chủ động, trách nhiệm, với mục tiêu đem đến một tương lai phát triển, thịnh vượng, bền vững cho tất cả người dân và các quốc gia.
Xây dựng hình ảnh Việt Nam tích cực, có trách nhiệm
Năm 2024 và những năm tới, đối ngoại đa phương tiếp tục là xu thế nổi bật trong quan hệ quốc tế và đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như thế giới. Với Việt Nam, việc tham gia vào các cơ chế, diễn đàn đa phương tiếp tục là kênh quan trọng nhằm góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình và ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đóng góp tiếng nói vào việc giải quyết những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống có liên quan tới đất nước, khu vực và toàn cầu; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: dangcongsan.vn |
Theo đó, Việt Nam chú trọng tổ chức tốt hoạt động tại các sự kiện cấp cao và tổ chức thành công các sự kiện Việt Nam đăng cai; tích cực phát huy vai trò tại các cơ chế Việt Nam được bầu trong Liên Hợp Quốc, UNESCO, Hội đồng nhân quyền... và vận động ứng cử vào các cơ chế khác; cũng như đóng góp sáng kiến trong lĩnh vực ngoại giao chuyên biệt như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, di sản văn hóa...Về định hướng ngoại giao Việt Nam năm 2024, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: "Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư duy về đối ngoại. Với thế và lực mới của đất nước chưa bao giờ có được như ngày nay, cần tìm cách làm mới vì lợi ích quốc gia- dân tộc. Muốn vậy, cần nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, nhận diện chính xác thời cơ, định vị đúng vị thế chiến lược của đất nước và tranh thủ tốt các xu thế quốc tế để chủ động có chủ trương, quyết sách, bước đi đối ngoại phù hợp".
Bên cạnh tập trung đảm nhiệm tốt trọng trách tại các tổ chức, cơ quan quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên, Việt Nam tiếp tục đề xuất, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác liên quan tới những lĩnh vực nóng hiện nay, như: chuyển đổi năng lượng, an ninh nguồn nước và lương thực, chuyển đổi số...Thông qua đó, khẳng định mạnh mẽ quan điểm nhất quán về đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, đoàn kết, hành động vì hòa bình, phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
Một quốc gia có uy tín ở cả cấp độ khu vực và địa chính trị
Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại đa phương với tinh thần trách nhiệm cao, xây dựng nên hình ảnh một đất nước hiện đại và trở thành một trong những quốc gia có uy tín ở cả cấp độ khu vực và địa chính trị.
Ngoài việc tham gia các tổ chức hội nhập kinh tế, Việt Nam còn là thành viên tích cực, nghiêm túc trong các tổ chức địa chính trị trên toàn cầu, trong đó có Liên hợp quốc (LHQ), được các tổ chức và đối tác đánh giá cao, qua đó cho thấy Việt Nam đã triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại đa phương với tinh thần trách nhiệm cao. Trong lĩnh vực ngoại giao, các đại sứ Việt Nam cùng xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam hiện đại và có tiếng nói quan trọng ở cấp độ khu vực và địa chính trị.
Theo Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Khoa học Ý tưởng Á-Âu, Grigory Trofimchuk, Với những hoạt động trên, Việt Nam khẳng định mình không chỉ là một quốc gia mạnh mẽ mà còn có uy tín trên trường thế giới. Điều này chỉ có thể đạt được với một dân tộc Việt Nam kiên cường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam. Thông qua các hoạt động ngoại giao đa phương, Việt Nam vừa truyền tải thông điệp về quan điểm, cách tiếp cận của một quốc gia đang phát triển đối với những vấn đề thế giới đang phải đối mặt, đồng thời cũng góp phần thực hiện những định hướng lớn về đối ngoại mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.