Nguồn: Internet |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chúng ta vừa đi qua năm 2019, một năm mà thế giới và khu vực có nhiều biến động đa chiều, phức tạp và dữ dội. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bá quyền, cường quyền phủ bóng đen lên mọi quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao của thế giới. Nổi lên trong năm qua, kéo dài sang đến năm 2020 là cuộc chiến thương mại toàn diện, quyết liệt và dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dù mới đây hai bên đã đạt được thỏa thuận hạ nhiệt giai đoạn một. Tuy nhiên, phía Mỹ tiếp tục cáo buộc Trung Quốc gian lận, lắt léo nhằm giành ưu thế tuyệt đối trong công nghệ, còn Trung Quốc lại cáo buộc Mỹ đang cố kiềm chế sự phát triển của nước này.
Cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ ở Afghanistan vẫn chưa có hồi kết. Triều Tiên vẫn không chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân và tỏ rõ không dễ bị bắt nạt. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa ngay những ngày đầu năm 2020 khi Mỹ cho máy bay không người lái sát hại vị tướng tài ba Soleimani của Iran. Mỹ tiếp tục gây sự và cấm vận Nga, gây sự với Trung Quốc, Syria, Cu Ba, Venezuela và cả với những đồng minh vốn thân cận với Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu.
Tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ mâu thuẫn, xung đột trước âm mưu “hiện thực hóa đường lưỡi bò” phi pháp và trắng trợn của Trung Quốc.
Từ tháng 9 năm 2019 đến nay, đại họa cháy rừng ở Úc, nhất là ở hai bang New South Wales và Victoria đã làm 24 người bị thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương, thiêu rụi gần 6 triệu héc-ta rừng, thảm sát gần nửa tỷ cá thể động vật. Ở cách đó không xa, đất nước Indonesia ngập chìm trong mưa lụt, nước này đã phải tính đến việc dời thủ đô đến vùng đất khác.
Ngay ở đất nước ta, hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã hiển hiện một cách đáng lo ngại ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc, đặc biệt là Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tình hình vừa nêu trên đã tác động sâu sắc và toàn diện đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức, các định chế tài chính; làm cho nền kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, bằng bước đi phù hợp, sáng tạo, bản lĩnh, kinh tế nước ta tiếp tục có bước tăng trưởng nhanh, GDP tăng 7,02 %, cao hơn mức kế hoạch mà Quốc hội giao là 6,6 - 6,8%, đưa Việt Nam và nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Quy mô GDP của nước ta lên khoảng 266 tỷ đô-la Mỹ, mức bình quân đầu người đạt gần 2.800 đô-la. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 3%, thấp hơn mức Quốc hội đề ra. Đầu tư xã hội, năng lực sản xuất kinh doanh tăng mạnh. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường; bội chi ngân sách ở mức 3,4% GDP, thấp hơn mức kế hoạch 3,6%. Tỷ lệ nợ công so với GDP giảm mạnh, xuống mức 56% và ngày càng thấp hơn mức trần do Quốc hội quy định (65%). Thị trường tiền tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, đạt gần 80 tỷ đô-la Mỹ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt mốc 517 tỷ đô-la, trong đó, xuất khẩu đạt mức 263 tỷ đô-la, tăng 8% so với năm 2018, xuất siêu hơn 10 tỷ đô-la.
Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu rất xuất sắc ở SEA Games 30 (Ảnh: Ngọc Duy) |
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, chúng ta đã làm tốt hơn chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn khoảng 4%, thấp hơn 1% so với năm 2018; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; hơn 54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được đẩy mạnh, năng suất lao động được cải thiện; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Sự nghiệp giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ nét. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao Đông - Nam Á lần thứ 30 (SEAGAME30) đứng thứ hai sau nước chủ nhà Philippine, giành được 288 huy chương, trong đó có 98 huy chương Vàng, đặc biệt là 2 huy chương Vàng bóng đá nam và nữ.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh nước ta tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước. Cũng trong năm 2019, Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần mức tuyệt đối (192/193). Chúng ta đã tổ chức chu đáo, an toàn tuyệt đối cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều lần thứ hai, được dư luận quốc tế đánh giá rất cao, làm tăng thêm uy tín, vị thế của ta trên trường quốc tế.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh và tăng cường; việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu đi vào thực chất, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả. Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị quan trọng về lĩnh vực then chốt này, đặc biệt là Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tại phiên tòa cuối tháng 12/2019 |
Nhiều vụ án kinh tế, án tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc thanh tra, kiểm tra các dự án gang thép Thái Nguyên, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và một số dự án khác; tập trung điều tra vụ Công ty Nhật Cường, các vụ án trọng điểm; đưa ra xét xử vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty AVG với hai bị cáo nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đầu năm 2020 là xét xử tiếp vụ án Phan Văn Anh Vũ và một số bị cáo nguyên là lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... là những minh chứng thuyết phục cho điều vừa nêu.
Những nỗ lực và thành tựu mà đất nước ta đạt được trong năm qua là rất đáng ghi nhận, vui và tự hào. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta bước tiếp năm cuối cùng hết sức quan trọng của Kế hoạch phát triển kinhy tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021 và Chiến lược phát triển kinhy tế-xã hội 10 năm 2011 - 2021. Tuy nhiên, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ân cần nhắc nhở: “Tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được, vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng còn thấp; sức ép lạm phát còn lớn; tính tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới”. Kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả còn thấp, đang gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh nhưng chưa thật sự lành mạnh và bền vững. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng lực xây dựng thể chế, chính sách còn hạn chế; chất lượng xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách còn bất cập; kỷ luật, kỷ cương còn nhiều lỏng lẻo. Những thay đổi thời tiết, khí hậu, nguy cơ nước biển dâng và mặn xâm nhập, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường đã và đang đe dọa nghiêm trọng nghiêm trọng đất nước ta.
Xuân Canh Tý đang về, lại nhớ về mùa xuân Canh Tý cách nay vừa tròn 1980 năm - năm 40. Trước sóng gió, trời mây sông Hát của đất Lĩnh Nam, Bà Trưng Trắc đã hùng hồn tuyên bố “Một xin rửa sạch nước thù/Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng”. Nghiệp xưa họ Hùng trong thời đại Hồ Chí Minh ngày càng được xây đắp cao dày, vững vàng, rạng rỡ. Xuân Canh Tý 2020 đang đến với nhiều sự kiện trọng đại: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; năm tiến hành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; năm Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 41) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc “búa Chủ tịch ASEAN” năm 2020 |
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước năm 2020, chúng ta cần tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, thực chất, đi vào chiều sâu. Tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai và biến đổi khí hậu. Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ nhiều năm trước của nền kinh tế một cách căn cơ, bài bản, quyết liệt. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt luật pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn dân, nhất là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Xử lý có kết quả các công trình, dự án lớn chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại mua bắt buộc và các ngân hàng thương mại yếu kém.
Quan tâm và có những chính sách, biện pháp cụ thể, thiết để phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng; xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tích cực triển khai các nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, dân số... Nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp. Thực hiện tốt Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; chính sách dân tộc, tôn giáo.
Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Nắm chắc, đánh giá, dự báo nhanh, sát đúng tình hình, nhất là về Biển Đông, biên giới, chủ động, kịp thời ứng phó với các tình huống phức tạp, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Đảng, Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bản vị. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách.
Con đường chúng ta đang đi được kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử hơn 30 năm đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Cần phát huy tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng đắn, sát hợp và có hiệu quả các vấn đề nóng bỏng mà cuộc sống đặt ra. Chúng ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nắm bắt thời cơ, khơi dậy mọi nguồn lực, đưa đất nước vững bước trên con đường dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.