Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968: Bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam

(VOV5) - Cách đây 55 năm, đêm 29 rạng sáng ngày 30/1/1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Việt Nam diễn ra ở khắp miền Nam Việt Nam. 

Ðây là cuộc Tổng tiến công bất ngờ, đánh thẳng vào sào huyệt của đối phương, thể hiện tư tưởng chiến lược tiến công, bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968: Bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam - ảnh 1Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp bàn Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới (tháng 12-1967). Ảnh tư liệu: dangcongsan.vn

Thành công của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 đã thay đổi cục diện cuộc chiến tranh do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam, tạo ra bước đột phá lớn để buộc Mỹ phải đàm phán với phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973, đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, tạo tiền đề cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam.

Tạo ra sự thay đổi trong cục diện chiến tranh

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra khi lực lượng so sánh giữa Việt Nam và địch trên chiến trường nghiêng mạnh về phía Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn. Bằng cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt, táo bạo, nhằm vào đô thị trên toàn miền Nam, quân và dân Việt Nam đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Hoa Kỳ, buộc Hoa Kỳ phải đơn phương “xuống thang chiến tranh”, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược.

Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968: Bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam - ảnh 2Nữ du kích Dầu Tiếng trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy 1968. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trung tướng Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc  phòng), nhận định: "Đảng cộng sản Việt Nam đã chọn thời cơ tiến công vào dịp Tết Nguyên Đán, đúng đêm giao thừa, lúc mà địch bộc lộ sơ hở, chủ quan. Vì thế, khi ta tiến công, địch hoàn toàn bị bất ngờ. Chúng không chỉ bất ngờ về thời gian mà còn bất ngờ về mục tiêu bị tiến công là các đô thị, các căn cứ quan trọng và bất ngờ cả về quy mô của cuộc tiến công khi ta không đánh vào vài chục điểm nhỏ như phán đoán của tình báo địch, mà đánh đồng loạt trên khắp chiến trường miền Nam".

Thắng lợi lớn nhất và quan trọng nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là đã tạo ra một sự thay đổi đột biến trong cục diện chiến tranh. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra một bước ngoặt của cuộc chiến, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Sự kiện này cũng chứng minh sức mạnh của chiến tranh nhân dân ở miền Nam.

Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968: Bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam - ảnh 3Những người biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam trước cửa Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ tại Chicago năm 1968. Ảnh: Arthur Rothstein

Hơn nữa, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 còn là biểu tượng về tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng cộng sản Việt Nam, nổi bật là nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ.

Theo Đại tá, Phó giáo sư. Tiến sỹ Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng), trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, quân và dân Việt Nam đánh đồng loạt vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, cùng nhiều bộ tư lệnh quân đoàn, sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn và hàng trăm căn cứ quân sự địch. Cuộc tổng tiến công làm tan rã 15 vạn quân địch, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.

Và sự thừa nhận từ phía bên kia

Trong cuốn hồi ký mang tên Lợi thế (The vantage point - xuất bản năm 1972), Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson thừa nhận: “Chúng ta đã biết sắp có một hành động phô trương lực lượng của đối phương, nhưng thực tế nó diễn ra ồ ạt hơn nhiều so với mức độ mà chúng ta dự đoán...Chúng ta không nghĩ rằng họ có thể tiến công nhiều mục tiêu đến thế, có thể phối hợp được đến mức như vậy trên phạm vi toàn miền Nam Việt Nam...Và cuối cùng, không ai trong chúng ta ngờ rằng họ lại tiến công đúng vào dịp Tết...”. Còn tác giả cuốn Cuộc chiến tranh mười ngàn ngày, Michael Maclear, viết rằng: “cuộc chiến tranh Việt Nam có quá nhiều bất ngờ, nhưng không có bất ngờ nào làm người ta phải sửng sốt bằng trận tiến công Tết”.

Không chỉ vậy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 làm bùng phát phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ. Nathaniel James, một nhà hoạt động vì hòa bình, chia sẻ: "Phong trào phản đối chiến tranh đang bắt đầu lan rộng nhanh chóng nhưng chỉ thực sự bùng nổ sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân. Sự kiện này là bằng chứng cho thấy cuộc chiến tranh ở Việt Nam không phải dành cho người dân Mỹ. Nó cũng chứng minh nước Mỹ có thể sẽ thua và sẽ không đạt được gì cả".

Đại tá Charles Krohn, cựu sỹ quan tình báo Mỹ và tác giả của một cuốn sách về cuộc chiến ở Huế trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, đánh giá: "Chiến dịch Tết Mậu Thân rõ ràng có một ý nghĩa chiến lược vì nó làm giảm sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với cuộc chiến ở Việt Nam. Đây được coi là một thất bại lớn đối với chúng tôi. Cá nhân tôi cho rằng, chiến dịch có thể là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong cuộc chiến ở Việt Nam".

Cho dù phải 5 năm sau Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 Mỹ mới rút hết quân khỏi miền Nam và phải 7 năm sau chế độ tay sai Sài Gòn mới sụp đổ, nhưng về mặt chiến lược, Mỹ đã thua cuộc từ mùa Xuân năm 1968. Và sau 55 năm nhìn lại quyết định Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, càng thấy rõ bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm của quân và dân Việt Nam trên con đường giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác