(VOV5) - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý I năm 2022, tổ chức ngày 5/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn do tình hình thế giới tác động, khó khăn nội tại và có thể có những khó khăn chưa dự báo được. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, điều hành… thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý I năm 2022 - Ảnh: qdnd.vn |
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong quý I năm 2022, tình hình quốc tế có những diễn biến mới như: xung đột tại Ukraine, lạm phát tăng cao tại một số nước, giá nguyên liệu đầu vào, giá dầu thế giới tăng, giá dịch vụ logistics tăng... đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Bên cạnh đó, trong nước cũng bộc lộ những khó khăn nội tại; các vấn đề tồn đọng nhiều năm cần giải quyết và phát sinh nhiều vấn đề mới như các vi phạm liên quan thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vấn đề môi trường, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại…
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; sự điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp; sự ủng hộ, vào cuộc, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội đạt được những kết quả đáng trân trọng. Tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, các chỉ số về ca chuyển nặng và tử vong đều giảm sâu. Kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và tăng trưởng khá, nhiều địa phương có mức tăng trưởng trên dưới 10%. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong vòng kiểm soát, thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo. Cùng với đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư ngoài xã hội đạt kết quả tích cực. Phát triển doanh nghiệp khởi sắc, với 60.000 doanh nghiệp đăng ký mới và trở lại thị trường. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, sôi động trở lại. An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đời sống người dân được đảm bảo, với hơn 79.000 tỷ đồng được chi hỗ trợ cho hơn 48,6 triệu người và hơn 742.000 đơn vị sử dụng lao động. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Chính trị ổn định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường, đạt hiệu quả. Kết quả này do các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp ở các địa phương nỗ lực, vươn lên. Đặc biệt, sự phối hợp triển khai các nhiệm vụ giữa các bộ, ngành với các địa phương chặt chẽ và có hiệu quả hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Dương Giang |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định tình hình trong thời gian tới vẫn còn những tồn tại, khó khăn, rủi ro. Đó là: Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Áp lực về lạm phát tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm; nợ xấu có nguy cơ tăng. Thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; nhà ở của lao động tại một số nơi chưa giải quyết tốt. Thiên tai vẫn tiềm ẩn bất thường… Cùng với đó, một số thị trường lớn của Việt Nam đang có những diễn biến mới, ảnh hưởng tới quá trình hợp tác, phát triển với Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện thật tốt các Nghị quyết Trung ương, nhất là Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; Chương trình phòng, chống COVID-19; Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; các Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo. Song song đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường xuất khẩu. Thúc đẩy thị trường trong nước. Cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết tại COP 26. Coi trọng phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Về các nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cả nước tập trung đẩy mạnh tốc độ phục hồi kinh tế, nhất là du lịch. Thúc đẩy tiêm vaccine theo kế hoạch, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đảm bảo cung cầu lao động. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Rà soát cơ chế, pháp luật, phát hiện các lỗ hổng để điều chỉnh; xử lý nghiêm các sai phạm. Giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định chính trị, đảm bản trật tự an toàn xã hội. Tăng cường thông tin, truyền thông tạo đồng thuận xã hội và đấu tranh, phản bác những thông tin xấu độc trên các nền tảng. Tăng cường thông tin hướng dẫn, trao đổi, tọa đàm về những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế…Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng trong quý II năm 2022, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ có khí thế mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.