Trưng cầu ý dân nhằm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân

(VOV5) - Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân đang được thảo luận tại nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Luật Trưng cầu ý dân được xây dựng nhằm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. 


Việc xây dựng Luật cũng để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Bài viết của phóng viên Ngọc Anh nhan đề “Trưng cầu ý dân nhằm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân”.

Trưng cầu ý dân là phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Trưng cầu ý dân là một hình thức quan trọng trong việc thực hiện dân chủ trực tiếp của nhân dân, là bước tiến của nền dân chủ. Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân có một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận như: Nội dung trưng cầu ý dân; phạm vi trưng cầu ý dân; cơ quan phụ trách trưng cầu ý dân; giải quyết khiếu nại kết quả trưng cầu ý dân.

Phát huy quyền dân chủ của người dân


Phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp cho người dân là nguyên tắc cơ bản trong Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Một nguyên tắc quan trọng nữa được nêu rõ trong Dự thảo Luật là đề cao quyền lực của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội. Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đề cao quyền lực của nhân dân, tức là ý chí của nhân dân là cao nhất. Song, khi đề cao quyền lực nhân dân vẫn phải gắn liền với sự đồng thuận của xã hội. Ông Phùng Khắc Đăng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, góp ý:“Trưng cầu ý dân là bước tiếp cận và mở rộng quyền dân chủ đối với người dân. Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân đã thể hiện cho người dân có quyền dân chủ của mình trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Quyền dân chủ người dân được bảo đảm. Người dân có quyền tham gia quyết định vào những vấn đề quan trọng của đất nước”.


Trưng cầu ý dân nhằm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân - ảnh 1
Người dân đi bỏ phiếu. Ảnh minh họa. baophapluat.vn


Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đang được thực hiện ngày càng rộng rãi trong cuộc sống, xã hội Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân góp phần thiết thực vào việc phản ánh, phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống tốt đẹp đó. Đó là trọng dân, lấy dân làm gốc và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. 

Tổ chức trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc       

Thảo luận tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội nhất trí cao việc quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trên phạm vi cả nước đối với những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước. Theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội, quyền trưng cầu ý dân thuộc về Quốc hội. Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là vấn đề về Hiến pháp và vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia. Ông Ya Duck, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, góp ý:“Trưng cầu ý dân là việc Quốc hội để công dân trực tiếp bỏ phiếu, quyết định về những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước đưa ra trưng cầu ý dân. Đó là những vấn đề lớn, mang tầm quốc gia, được tổ chức và thực hiện trên phạm vi cả nước do Quốc hội quyết định. Đối với những vấn đề ảnh hưởng đến một hoặc một số địa phương thì các địa phương không trưng cầu ý dân mà áp dụng hình thức lấy ý kiến của nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành”.


Khi tiến hành trưng cầu ý dân, các đại biểu Quốc hội lưu ý cần cung cấp cho nhân dân đầy đủ thông tin về những vấn đề được đưa ra trưng cầu dân ý để người dân hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của vấn đề; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia trưng cầu ý dân. Qua đó, người dân thể hiện chứng kiến của mình một cách khách quan, có phương án lựa chọn tối ưu, mang lại lợi ích thiết thực cho dân tộc, cho đất nước.  

Trưng cầu ý dân nhằm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân - ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phúc Thắng


Thể chế hóa Hiến pháp 2013

Luật Trưng cầu ý dân có vị trí quan trọng vì nó xuất phát từ quy định của Hiến pháp năm 2013 rằng Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Bà Hồ Thị Cẩm Đào, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cho biết:“Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc trưng cầu ý dân tạo điều kiện cho mọi người dân được tham gia và quyết định vào các công việc của Nhà nước và xã hội, phù hợp với bản chất dân chủ, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, là bước tiến của luật pháp Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện để mỗi người dân có thể tham gia dân chủ trực tiếp vào mọi vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Nhà nước Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác