(VOV5) - Những ngày này, khu vực Trung Đông không ngừng nóng lên với những diễn biến căng thẳng liên quan đến kế hoạch của Israel sáp nhập khu Bờ Tây sông Jordan vào nước này.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng một vòng xoáy bạo lực nguy hiểm mới có thể bùng phát tại khu vực khi kế hoạch trên được thực thi.
Khu định cư Maale Adumim của Israel ở Đông Jerusalem. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ngày 6/6, hàng nghìn người dân Israel đã tổ chức biểu tình tại quảng trường Rabin ở thành phố Tel Aviv, nhằm phản đối kế hoạch của Thủ tướng Benjamin Netanyahu về việc mở rộng chủ quyền tới các khu vực thuộc khu Bờ Tây mang theo nhiều biểu ngữ phản đối việc sáp nhập và chiếm đóng, kêu gọi ủng hộ hòa bình và dân chủ. Theo giới phân tích, các cuộc biểu tình chống lại kế hoạch sát nhập ngay tại Israel mang nhiều thông điệp. Một mặt, nó cho thấy kế hoạch của chính phủ Israel không những không thể hiện ý nguyện của toàn thể dân chúng, mà còn tiềm ẩn những rủi ro đáng lo ngại, trước hết là từ phản ứng giận dữ của người Paletine và thế giới A rập.
Phản ứng giận dữ của người Palestine và thế giới A rập
Chỉ một ngày trước cuộc biểu tình tại Tel Aviv, Đặc phái viên Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour khẳng định chính quyền Palestine sẽ tăng cường nỗ lực kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngăn chặn Israel triển khai kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ tại Bờ Tây, đồng thời cho biết sẽ gặp Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các thành viên khác để giải thích về hậu quả nghiêm trọng khi Israel tiến hành kế hoạch sáp nhập. Trong khi đó, thành viên Ủy ban trung ương Phong trào Fatah tại Bờ Tây, Sabri Seidam tuyên bố lãnh đạo Palestine đã quyết định tổ chức các hội nghị đặc biệt để thảo luận cách thức đáp trả kế hoạch sáp nhập của Israel. Về phần mình, Hội đồng Quốc gia Palestine (PNC) ra thông báo tái khẳng định cam kết thực hiện quyết định chấm dứt tất cả các thỏa thuận với Mỹ và Israel. Thông báo nêu rõ, các chính sách và hành động của Israel phản ánh quyết tâm của Chính phủ Israel tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ của Nhà nước Palestine, đồng thời khiến tình hình khu vực thêm xấu đi và ngày càng leo thang căng thẳng.
Trên bình diện khu vực, Nhóm Hòa bình A rập, một tổ chức nghiên cứu độc lập bao gồm các cựu Tổng thống, Thủ tướng và Bộ trưởng của các quốc gia A rập, cùng những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới nghiên cứu, đã gửi một bức thư tới các nhà lãnh đạo Arập, kêu gọi thế giới Arập thống nhất quan điểm và hành động đối phó với kế hoạch sáp nhập của Israel. Trước đó, Quốc vương Jordan Abdullah II cảnh báo rằng, nếu Issrael thực sự sáp nhập một số khu vực chiếm đóng ở Bờ Tây vào tháng 7 tới, sẽ có thêm nhiều bất ổn và hành động cực đoan trong khu vực. Đặc biệt, bước đi nguy hiểm này sẽ dẫn tới "đụng độ lớn" với Jordan và nước này sẽ tính đến tất cả các lựa chọn. Theo giới phân tích, Jordan là một trong hai nước A rập (cùng với Ai Cập) cho đến nay đã ký Hiệp ước hòa bình với Israel và “tất cả các lựa chọn” như cảnh báo của Quốc vương Abdullah II, là bao gồm cả việc xem xét lại thỏa ước hòa bình đã ký với Israel.
Nguy cơ bùng phát bạo lực
Thực tế, những cảnh báo về nguy cơ bùng phát bạo lực liên quan đến kế hoạch sáp nhập lãnh thổ của Israel, đã được đưa ra từ rất sớm, ngay khi các lãnh đạo Israel đạt được thỏa hiệp chính trị hồi tháng 4 năm nay. Lo ngại này càng được củng cố sau khi Chính quyền Palestine tuyên bố chấm dứt mọi cam kết hợp tác an ninh với Israel hồi nửa cuối tháng 5 vừa qua để phản đối kế hoạch sáp nhập. Tiếp sau đó, nhiều nhóm vũ trang Palestine ở cả khu Bờ Tây và dải Gaza, đứng đầu là Phong trào Hồi giáo Hamas và nhóm Thánh chiến Jihad, đều đã đưa ra những tuyên bố cực kỳ cứng rắn nhằm vào Israel, khẳng định sẵn sàng “làm tất cả” để chống lại âm mưu của Israel. Chưa hết, cùng lúc các nguồn tin khu vực A rập cho biết, hàng loạt nhóm vũ trang thánh chiến tại Lebanon, Syria, Iraq, Libya… cũng ra tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh chống chiếm đóng của người Palestine, khẳng định sẵn sàng trợ giúp và sát cánh cùng các chiến binh Palestine chống lại Israel.
Dư luận quốc tế và khu vực lo ngại rằng, trong bối cảnh kế hoạch sáp nhập lãnh thổ của Israel chắc chắn diễn ra do đã nhận được sự hậu thuẫn cực kỳ quan trọng từ Mỹ và sự thiếu quan tâm thỏa đáng của cộng đồng quốc tế dành cho tiến trình hòa bình Trung Đông, nguy cơ xảy ra đối đầu nguy hiểm giữa người Palestine và Israel, đang rất cận kề. Đó là bởi người Palestine đang bị dồn vào bước đường cùng và “không còn lựa chọn nào khác” đúng như cảnh báo của Hội đồng Quốc gia Palestine (PNC). Còn theo lời một nhà phân tích A rập “người Palestine buộc phải đấu tranh để tiến trình hòa bình Trung Đông không bị thế giới lãng quên và gạt sang bên lề như bấy lâu nay”