Trung Quốc nỗ lực khôi phục sản xuất sau đại dịch

(VOV5) - Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỉ Trung Quốc phải đối mặt với viễn cảnh GDP quí I tăng trưởng âm.

Từ cuối tháng 3, hàng loạt nhà máy Trung Quốc bắt đầu tái phục hồi sản xuất. Nhân viên quay trở lại làm việc, các dây chuyền sản xuất bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa thể giúp nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa và cách ly của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm đối phó với dịch Covid-19 đang lan rộng.

Trung Quốc nỗ lực khôi phục sản xuất sau đại dịch - ảnh 1Một nhân viên làm việc tại nhà máy sản xuất ghế xe hơi tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters.

Hôm 30/3, đại diện Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc thông báo khoảng hơn 98% các công ty công nghiệp lớn trên khắp Trung Quốc đã nối lại hoạt động sản xuất, với tỉ lệ 90% người lao động đã trở lại làm việc. Riêng các trung tâm công nghiệp lớn như Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông và Phúc Kiến, năng lực sản xuất đã ở ngưỡng gần như hoàn toàn bình thường so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch bệnh. Cùng ngày, các trung tâm thương mại tại Vũ Hán, thủ phủ Hồ Bắc, tỉnh từng là tâm dịch của cả nước, đã mở cửa trở lại.

Cú sốc nặng nề đối với nền kinh tế

Bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, dịch Covid-19 nhanh chóng lan rộng ra khắp các tỉnh, thành của Trung Quốc. Việc kiểm soát dịch trong vài tháng qua gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Hôm 31/3, Ngân hàng thế giới (World Bank) đưa ra dự báo kinh tế Trung Quốc có thể ngừng tăng trưởng vì đại dịch Covid-19.

Trong tình huống như vậy, ngay sau dịch có dấu hiệu qua đỉnh và dần được khống chế, các công ty, trung tâm công nghiệp lớn khắp Trung Quốc khẩn trương nối lại hoạt động sản xuất

Trung Quốc nỗ lực khôi phục sản xuất sau đại dịch - ảnh 2Nhiều lao động Trung Quốc đã trở lại làm việc. - Ảnh: Bloomberg

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, các công ty Trung Quốc trở nên linh hoạt hơn trong tuyển dụng lao động. Một số công ty xin phép chính quyền địa phương để điều xe và thậm chí thuê cả máy bay để đưa lực lượng lao động trở lại từ các vùng xa. Các hãng khác bắt đầu áp dụng tự động hóa để bù đắp cho tình trạng thiếu lao động. Một số cũng đang áp dụng các công nghệ để đào tạo xử lý sự cố cho lực lượng lao động thủ công mới tuyển dụng. Doanh số bán xe hơi ở Trung Quốc đang dần hồi phục khi người tiêu dùng mua sắm trở lại. Trong khi đó, các hãng hàng không Trung Quốc cũng dần khôi phục các chuyến bay.

Để hỗ trợ nền kinh tế, Trung Quốc cũng áp dụng các biện pháp tài chính và tiền tệ như áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Các công ty bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm dịch và hoạt động kinh doanh giảm sút đã được gia hạn tín dụng cho đến tháng 6. Trước đó, Trung Quốc đã hạ thấp yêu cầu dự trữ đối với các ngân hàng, để họ có thể cho vay nhiều hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ở các khu vực bất lợi nhất về mặt dịch tễ, chính quyền cũng tạm thời cho phép tạm hoãn thanh toán tiền điện. Đồng thời, chính quyền đang xem xét khả năng tăng thâm hụt ngân sách, phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt để thu hút tài chính.

Gián đoạn chuỗi logistic do các lệnh phong tỏa

Tuy nhiên, nỗ lực khắc phục tình hình sản xuất kinh doanh trong nước không thể giúp kéo nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc. Các nhà máy của Trung Quốc vừa mới khôi phục lại được công suất tối đa, nhưng giờ đây hàng loạt đơn đặt hàng từ khách nước ngoài lại bị hủy bỏ hoặc trễ thanh toán. Nguyên nhân đến từ lệnh phong tỏa được áp dụng tại nhiều nước để chống dịp COVID-19. Do đó, việc tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh trong những tháng tiếp theo là điều không thể tránh khỏi. Mặc dù nền kinh tế đang dần hồi phục bên trong Trung Quốc, niềm tin kinh doanh đang dần trở lại nhưng các tổ chức quốc tế vẫn hạ thấp dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay.

Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỉ Trung Quốc phải đối mặt với viễn cảnh GDP quí I tăng trưởng âm. Nhiều khả năng 2020 sẽ là năm nền kinh tế thứ hai thế giới suy yếu nhất trong vòng 44 năm trở lại đây. Trong lúc này, các doanh nghiệp Trung Quốc lại đau đầu với bài toán làm sao giữ chân người lao động, đồng thời cân bằng các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến đối với xuất khẩu và chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Nhiều khả năng sản lượng xuất khẩu cả năm 2020 của Trung Quốc có thể giảm sâu hơn nữa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác