Tự do tín ngưỡng ở Việt Nam nhìn từ lễ Vu Lan


(VOV5) - Lễ Vu Lan (ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm) là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Không chỉ nhằm tri ân và tưởng nhớ công sinh thành và dưỡng dục, lễ Vu Lan cho thấy sự tự do trong sinh hoạt tín ngưỡng tại Việt Nam.

Tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng đồng bào các tôn giáo, góp phần quan trọng vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc.  Lễ Vu Lan là 1 trong hơn 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo.

Tự do tín ngưỡng ở Việt Nam nhìn từ lễ Vu Lan - ảnh 1Nhiều hoạt động mùa Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2568 tại Việt Nam Quốc Tự. Ảnh: Minh Nhân/giacngo.vn

Tính cộng đồng rõ nét

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các địa phương  của Việt Nam  tổ chức Đại lễ Vu Lan trong không khí trang nghiêm và an lành với sự tham gia không chỉ của các phật tử mà từ phía đông đảo người dân.  

Từ đầu tháng 7 âm lịch, nhiều người dân đã đến các chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM), để đọc kinh cầu nguyện quốc thái dân an, cầu cho cha mẹ tăng long phúc thọ, tưởng niệm, tri ân, cầu siêu anh linh anh hùng liệt sỹ.

Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức pháp hội Vu lan báo hiếu tại chùa Bái Đính. Hàng nghìn Tăng ni, Phật tử, các học sinh, sinh viên và du khách thập phương về ngôi chùa lớn nhất Việt Nam tham dự ngày lễ.

Dịp này, tại tỉnh Hà Nam, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban trụ trì chùa Tam Chúc tổ chức lễ Vu lan báo hiếu Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024, thực hiện nghi lễ truyền thống Phật giáo, nghi thức dâng hoa cúng dường, nghi thức cài hoa hồng để tưởng nhớ đấng sinh thành của mỗi người.

Ở nhiều tỉnh miền Trung, đông đảo các phật tử và người dân cũng cùng tham gia các hoạt động trong ngày lễ chính của Phật giáo.

Từ một ngày lễ riêng của Phật giáo, đến nay, lễ Vu lan đã trở thành ngày lễ chung của nhiều người dân, trở thành nét sinh hoạt của rất nhiều người Việt Nam. Đây có thể xem là một minh chứng của sự hòa hợp, hòa quyện giữa đạo và đời.

Đây cũng là nét chung của các lễ hội tôn giáo ở Việt Nam, bên cạnh tính linh thiêng là tính cộng đồng mạnh mẽ.

Phản ánh chính sách tự do tôn giáo

Nhiều năm nay, những ngày lễ trọng của các tôn giáo, như lễ Phật đản, lễ Vu lan của Phật giáo; lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành; Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao đài; lễ hội Katê của đồng bào Chăm, tháng chay Ramadan của người Hồi giáo… đều được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ, người dân tham dự.

Tự do tín ngưỡng ở Việt Nam nhìn từ lễ Vu Lan - ảnh 2Hai bà cháu tham gia làm hoa đăng tại Việt Nam Quốc Tự. Ảnh: Quảng Đạo/giacngo.vn

Không nhiều quốc gia trên thế giới mà dịp lễ trọng của tôn giáo vốn, là công việc nội bộ của giáo hội, chức sắc và các tín đồ, lại nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của đồng bào không theo tôn giáo.

Trong từng giai đoạn phát triển đất nước, Đảng đã ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo để xây dựng và phát triển đất nước.

Việc lễ hội tôn giáo ở Việt Nam được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng, phản ánh chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước được hiện thực hóa trong đời sống xã hội, từ sự quan tâm, chăm lo phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào đến sự hỗ trợ thiết thực của các cấp chính quyền trong công tác tổ chức, bảo đảm an ninh, trật tự… cho mỗi dịp lễ hội. Đây là nỗ lực của Nhà nước trong việc bảo đảm và tạo điều kiện để sinh hoạt tôn giáo diễn ra trong khuôn khổ của pháp luật.

Sự đa dạng các hoạt động tôn giáo, trong đó có việc tổ chức các lễ hội, là một minh chứng rõ ràng rằng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đang được bảo đảm theo Điều 24 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác