Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để phát triển đồng bằng sông Cửu Long

(VOV5) - Mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng biệt, sẽ đóng góp chủ động, hài hoà vào tổng thể không gian kinh tế chung.

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có biến đổi khí hậu, liên kết vùng để phát triển. Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, diễn ra cuối tuần qua, ở Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đưa ra nhiều gợi mở để khai phá hết tiềm năng phát triển của vùng.

Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để phát triển đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ động thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh: VOV

Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 , chiếm 12,2 % diện tích cả nước, chiếm 19% dân số Việt Nam. Khu vực này đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây. Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước lựa chọn chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” và đã đến lúc cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này phát triển.

Tư duy đột phá

Phát triển nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại là yêu cầu quan trọng trong phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, gắn kết chặt chẽ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp. Dịch vụ là bệ đỡ phát triển nông nghiệp để mang lại giá trị thặng dư cao hơn. Các địa phương trong vùng phải xác định lấy nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên…) là yếu tố quyết định, cơ bản, lâu dài, chiến lược;  xác định nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ, quản trị…) là quan trọng và đột phá, đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Trong quy hoạch vùng, các tỉnh, thành phố lưu ý thực hiện 4 tốt: quy hoạch tốt thì có dự án tốt, dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư tốt thì có sản phẩm tốt; chú trọng việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm (trái cây, cá tra, du lịch sinh thái, du lịch biển).

Về hạ tầng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có lợi thế về giao thông thủy, giao thông biển nhưng chưa khai thác được. Do đó, các địa phương trong vùng tiếp tục phát triển hệ thống cao tốc và khai thác lợi thế giao thông đường thủy; phát triển hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh vùng có tiềm năng lớn về nắng và gió…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Hạ tầng dứt khoát là không dàn trải, tập trung vào các hạ tầng chiến lược. Một là giao thông là điểm nút, hiện nay bao gồm giao thông thủy giao thông đường bộ, giao thông đường sắt, giao thông hàng không. Chúng ta có thế mạnh là giao thông thủy, bộ, giao thông đường biển nhưng chưa khai thác được. Và ta phải phát triển đường cao tốc, đường sắt, đường ven biển, nhưng trước hết tập trung phát triển đường cao tốc, đường ven biển. Dứt khoát phải chuyển đổi năng lượng bây giờ năng lượng xanh, sản phẩm thân sản phẩm sạch rồi".

Kết nối các nguồn lực

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, liên kết Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa "Nhà nước – Thị trường – Xã hội", kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới.

Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để phát triển đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN

Để tạo đòn bẩy cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; nối kết chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thuỷ lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống; thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp cấp Vùng.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hoà giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền.

Ngay tại "Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ động thích ứng biến đổi khí hậu" Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long ký kết chương trình phối hợp về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

Đến năm 2025, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng xã hội, giáo dục, nguồn nhân lực, tư duy liên kết vùng sẽ quyết định sự phát triển bền vững cho vùng châu thổ này. Khi ấy, mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng biệt, sẽ đóng góp chủ động, hài hoà vào tổng thể không gian kinh tế chung. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động, góp phần quan trọng trong sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác