(VOV5) - Trong tháng cuối cùng của năm 2012 này, ở tất cả các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam trên toàn quốc đã và đang diễn ra đợt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng cộng sản Việt Nam về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng. Diễn ra từ tháng 8/2012, với sự bắt đầu từ sự tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban bí thư, cho đến nay, đợt sinh hoạt chính trị này đã rộng khắp trong toàn Đảng.
Mục đích của việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này là triển khai thực hiện Nghị quyết TW 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, trọng tâm là ngăn ngừa, khắc phục hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ quản lý các cấp, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đối tượng kiểm điểm là cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan và đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn đảng, từ trung ương đến cơ sở. Kể từ tháng 8-2012, Bộ Chính trị, Ban bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã gương mẫu đi đầu, tiến hành kiểm điểm.
Về cách thức tiến hành kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban bí thư, ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra TW Đảng cộng sản Việt nam, cho biết: “Lần này bố trí kiểm điểm trong 16 ngày, dài nhất từ trước đến nay, được chia thành nhiều bước. Bước đầu tiên là tiến hành kiểm điểm tập thể, bước tiếp theo là kiểm điểm riêng 4 vị lãnh đạo chủ chốt, bao gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Kế tiếp là phê bình và tự phê bình đối với 14 thành viên Bộ chính trị và Ban bí thư còn lại. Sau đợt phê bình đó, Bộ Chính trị, Ban bí thư tiếp tục thực hiện các hoạt động tiếp theo của đợt phê bình và tự phê bình đến hết tháng 9/2012 và chỉ kết thúc sau khi Hội nghị Trung ương 6 thông qua báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban bí thư”.
Đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng, bắt đầu từ Bộ Chính trị, Ban bí thư thực sự là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Các nội dung kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban bí thư bám sát vào tinh thần Nghị quyết T 4, các vấn đề bức xúc, quan tâm của cán bộ, đảng viên đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Không khí thảo luận tự phê bình và phê bình, góp ý thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc, xây dựng, chân thành.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh kết quả bước đầu của đợt tự phê bình và phê bình: “Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đồng thời lắng nghe những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tập thể Bộ chính trị và Ban bí thư và từng Ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư đã nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn những ưu điểm, nhất là những khuyết điểm, phân tích nguyên nhân của những khuyết điểm, hạn chế, từ đó đề ra các nguyên nhân sửa chữa, khắc phục. Bộ chính trị, Ban bí thư đã bàn và chỉ đạo giải quyết ngay những vấn đề nổi cộm và bức xúc, phát huy những nhân tố tích cực, xiết lại kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và ngăn chặn những hành vi tiêu cực. Cũng qua việc kiểm điểm lần này, các thành viên Bộ chính trị, ban bí thư có những hiểu biết nhau hơn, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, đoàn kết, gắn bó hơn. Quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình cũng đã có tác động lan tỏa, nêu gương cho cấp dưới học tập và làm theo, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng".
Ngay sau Hội nghị Trung ương 6 và kết quả bước đầu của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban bí thư, các đảng bộ, chi bộ từ trung ương đến cơ sở trên toàn quốc đã thực hiện tự phê bình và phê bình. Cán bộ, đảng viên trên toàn quốc, với tinh thần trách nhiệm cao, đã thực hiện kiểm điểm, phê bình tại cơ sở, nêu ý kiến đóng góp để tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng đạt kết quả tốt đẹp. Ông Trần Hồng Quân, đảng viên sinh hoạt tại chi bộ Thăng long, quận Hoàn kiếm, Hà nội, khẳng định: “Phê bình và tự phê bình không chỉ bằng quyết tâm của các lãnh đạo là đủ mà tất cả các đảng viên đương chức hoặc đã về nghỉ đều phải có phần đóng góp của mình. Vai trò của các tổ chức Mặt trận và đoàn thể cũng có tầm quan trọng. Ở đây, nó đòi hỏi chúng ta bằng tất cả tấm lòng của mình vì sự nghiệp của Đảng, của đất nước”.
Với tinh thần gương mẫu, đi đầu, Bộ Chính trị, Ban bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã thực hiện tự phê bình và phê bình, mở đầu đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng trong năm 2012. Tự phê bình và phê bình đã trở thành sự kiện chính trị nổi bật trong Đảng, có tác động nhất định đến công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Sau đợt kiểm điểm này, việc thực hiện chế độ kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 sẽ được thực hiện thường xuyên trong Đảng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam./.