Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc: Sứ mệnh và thách thức

(VOV5) - Sự kiện được được đánh giá là một phép thử đối với chủ nghĩa đa phương và mang lại hi vọng về hòa bình lâu bền cho thế giới.

Từ ngày 20 đến 26/9, khoảng 150 nhà lãnh đạo thế giới tham dự Khóa họp lần thứ 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với một loạt các thách thức như khủng hoảng nhân đạo, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế…, sứ mệnh của Đại hội đồng LHQ là tìm lời giải cho những vấn đề này nhằm định hình một tương lai bền vững cho nhân loại.

Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 được tổ chức trực tiếp tại thành phố New York sau 2 năm bị gián đoạn và hạn chế do đại dịch COVID-19. Sự kiện được được đánh giá là một phép thử đối với chủ nghĩa đa phương và mang lại hi vọng về hòa bình lâu bền cho thế giới.

Chủ nghĩa đa phương đang đối mặt nhiều thách thức chưa có tiền lệ

Tại lễ bế mạc Đại hội đồng LHQ khóa 76 diễn ra ngày 12/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã nhấn mạnh, chủ nghĩa đa phương đang đứng trước những thách thức chưa từng có và đây sẽ là phép thử sự đoàn kết và lòng tin của các nước với nhau. Quả vậy, chưa bao giờ thế giới đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, từ xung đột Nga - Ukraine, lạm phát cao, chủ nghĩa khủng bố và cực đoan cho đến ô nhiễm môi trường, lũ lụt, hạn hán, dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới nổi khác… Các cuộc xung đột trên thế giới đang khiến hàng triệu người phải sống trong nghèo đói, khổ đau và tình trạng bất bình đẳng vẫn đang ảnh hưởng tới sự hồi phục và phát triển của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, trong số các thách thức này, cuộc xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu được xem là chủ đề nóng, đứng đầu chương trình nghị sự của Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 77 lần này. Xung đột giữa Nga và Ukraine, hai nước xuất khẩu ngũ cốc, phân bón lớn, càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực vốn chịu tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Chương trình Lương thực thế giới của LHQ gần đây cho biết khoảng 345 triệu người đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực tại 82 nước và vùng lãnh thổ mà tổ chức này có hoạt động, tăng hơn gấp đôi so với con số trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, phiên thảo luận Đại hội đồng LHQ sẽ chứng kiến sự chia rẽ địa chính trị sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây trong cạnh tranh ảnh hưởng ngoại giao với Nga. Thời gian qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều có các chuyến thăm châu Phi để tìm kiếm ảnh hưởng, vận động các nước ủng hộ phương Tây trong cuộc đối đầu hiện nay với Nga. Trong khi đó, đại diện Moscow tham dự phiên thảo luận chung cũng dự kiến tiến hành khoảng 20 cuộc gặp với lãnh đạo các nước tại New York. Những diễn biến trên có thể khiến mối quan tâm dành cho các cuộc khủng hoảng khác bị lu mờ, như biến đổi khí hậu, khủng hoảng giáo dục, dịch bệnh…

Hành động vì sự phát triển chung

Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại phiên khai mạc Tuần lễ Đại hội đồng LHQ cảnh báo, các cuộc xung đột ở khắp nơi, những thảm họa khí hậu, sự thiếu hụt lòng tin, chia rẽ, bất đồng, đói nghèo, bất bình đẳng, nạn phân biệt đối xử và giá cả năng lượng và lương thực tăng cao đang khiến lộ trình tiến tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững ngày càng thêm xa vời. Với chủ đề “Thời khắc của Các Mục tiêu Phát triển Bền vững”, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đang đứng trước thời điểm mang tính quyết định, cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực hơn nữa đưa thế giới trở lại lộ trình phát triển bền vững. Các nhà lãnh đạo thế giới phải hành động ngay vì sự phát triển chung, không thể chần chừ hay chờ đợi.

Trong số các thách thức này, cuộc xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu được xem là chủ đề nóng, đứng đầu chương trình nghị sự của Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 77 lần này. 

Chính phủ các nước cần đầu tư ở mức cao nhất có thể cho y tế, giáo dục và sức khỏe cộng đồng, nhất là chi cho những người dân phải tị nạn và di cư; bảo đảm để người dân vượt qua được những cú sốc kinh tế, gia tăng việc làm, đặc biệt trong các lĩnh vực kỹ thuật số và năng lượng xanh.

Tình hình quốc tế, các mối quan hệ giữa các quốc gia song phương và đa phương sẽ có nhiều thách thức và chưa đoán định, song với những sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến ngoại giao, đàm phán và thỏa hiệp, LHQ và hệ thống đa phương hiện vẫn là niềm hy vọng tốt đẹp nhất đối với loài người trên toàn hành tinh. Hội nghị cấp cao thường niên của Đại hội đồng LHQ là cơ hội để các nước cùng nhau hợp tác, xây dựng lòng tin, vì một tương lai hòa bình và tốt đẹp hơn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác