Tunisia trước nguy cơ bùng nổ làn sóng cách mạng thứ hai

(VOV5) - Từng được coi là quốc gia thành công nhất trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ sau phong trào “Mùa Xuân Arab” ở Trung Đông-Bắc Phi, Tunisia lại đang trải qua những tháng ngày bất ổn chính trị, có nguy cơ bị cuốn theo cơn lốc khủng hoảng ở khu vực. Tiếp sau cuộc cách mạng Hoa nhài tháng 3/2011, mâu thuẫn trong chính liên minh cầm quyền cũng như sự phản đối của phe đối lập ngày càng gia tăng hiện nay đe dọa có thể làm bùng nổ làn sóng cách mạng thứ hai ở quốc gia này. 

Những ngày gần đây, hàng nghìn người Tunisia đổ xuống đường tham gia biểu tình phản đối chính phủ. Quang cảnh đường phố ở Tunisia khiến người ta liên tưởng đến những gì đã xảy ra hơn 2 năm trước, khi người thanh niên Mohamed Bouaziz tự thiêu để phản đối sự đàn áp của chính quyền với gánh hàng rong mưu sinh trên phố. Ngọn lửa uất hận đấy đã lan nhanh chóng khắp đất nước để biến thành “Cuộc cách mạng Hoa nhài”, tạo nên dấu ấn lịch sử với việc lật đổ chế độ Tổng thống độc tài Ben Ali, đồng thời trở thành niềm cảm hứng cho cuộc cải cách lan tỏa khắp Trung Đông-Bắc Phi với tên gọi “Mùa xuân Arab”.

Nếu so với những quốc gia trong khu vực cũng từng có cơn gió cải cách tràn qua, thì quá trình chuyển tiếp chính trị tại Tunisia được đánh giá là khá êm ả. Chỉ vài tháng sau khi lật đổ nhà lãnh đạo độc tài Ben Ali, cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên đã diễn ra khiến dư luận tưởng chừng đất nước này bước vào một kỷ nguyên chính trị mới. Tuy nhiên, niềm vui về sự chuyển mình của đất nước chẳng kéo dài được lâu bởi những mâu thuẫn nội tại vẫn âm ỉ trong lòng xã hội, giữa một bên là lực lượng thế tục đối lập và phe Hồi giáo nắm quyền. Kể từ khi nổ ra vụ ám sát chính trị gia cấp tiến Chokri Belaid tháng 2/2013, tiếp đó là nghị sĩ bài Hồi giáo M.Brahmi tháng 7/2013, quốc gia bên bờ Địa Trung Hải đã thực sự chìm đắm trong bạo động. Nhiều người Tunisia đổ lỗi cho đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahda đứng đằng sau hai vụ ám sát này. Mặc dù, hồi cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Lotfi Ben Jeddou đã chỉ rõ, một thành viên phong trào Hồi giáo dòng Sunni Salafist là thủ phạm sát hại nhân vật đối lập M.Brahmi nhưng điều đó đã không thể xoa dịu cơn phẫn nộ của lực lượng đối lập. Thậm chí, những người biểu tình, do phe đối lập phát động yêu cầu chính phủ do người Hồi giáo nắm quyền từ chức.

Tunisia trước nguy cơ bùng nổ làn sóng cách mạng thứ hai - ảnh 1
Người biểu tình phản đổi chính phủ ở thủ đô Tunis của Tunisia. (Nguồn: Reuters)


Có lẽ, con đường cải cách ở Tunisia sẽ không gập ghềnh đến vậy nếu như không có cuộc chính biến ở quốc gia láng giềng Ai Cập, kết thúc thời gian lãnh đạo ngắn ngủi của cựu Tổng thống Ai Cập Mahamed Morsi. Những diễn biến tại đất nước Kim Tự Tháp rõ ràng đã trở thành nguồn tiếp sức cho những người biểu tình ở Tunisia, tạo nên phong trào phản kháng dữ dội. Cùng nằm dưới sự lãnh đạo của phe Hồi giáo, lộ trình dân chủ và những biến động xảy ra liên tiếp thời gian qua tại hai quốc gia này đã làm dấy lên nghi ngại rằng rất có thể Tunisia sẽ trở thành một Ai Cập thứ hai. Nỗi lo lắng về tình trạng “Hồi giáo hóa” chính quyền dân sự như một mưu đồ chiến lược của đảng Ennahda, chính đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, nhằm biến Tunisia thành một quốc gia Hồi giáo là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn nghiêm trọng ở quốc gia này.

Chưa hết, trong lúc tình hình chính trị bất ổn và mâu thuẫn các phe phái gia tăng, Tunisia vẫn phải đối phó với sự nổi lên của nhóm Hồi giáo thánh chiến Jihad, có liên quan đến Tổ chức khủng bố Al-Qaeda, lập căn cứ sâu trong các thung lũng rậm rạp và những hang ngách ở vùng núi tiếp giáp Algeria. Cuối tháng 7 vừa qua, 8 binh sĩ Tunisia đã thiệt mạng trong vụ giao tranh với khủng bố ở khu vực này. Đây cũng là một trong những lý do khiến phe đối lập cáo buộc chính phủ đã thất bại trong việc kiềm chế các nhóm Hồi giáo cực đoan đang gia tăng ảnh hưởng. Thêm vào đó là sự thất vọng của dân chúng với chính phủ ngày càng lớn khi mà tỷ lệ thất nghiệp lên tới 18%, tham nhũng lan tràn, kinh tế không phát triển so với thời trước khi xảy ra cuộc cách mạng Hoa nhài. Đây là những mồi lửa bất bình không biết bùng phát lúc nào.

Hiện tại, trước sức ép của làn sóng biểu tình, Thủ tướng Tunisia, lãnh đạo Ðảng Hồi giáo Ennahda cầm quyền Ali Larayed tuyên bố chấp thuận mọi đề xuất để tiến tới thỏa thuận về một chính phủ liên hiệp hay chính phủ cứu quốc và kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử ở nước này vào ngày 17/12 tới. Tuy nhiên, chính phủ cũng bác bỏ bất kỳ cuộc đối thoại nào đi kèm điều kiện đòi nội các từ chức. Dư luận lo ngại, tình hình ở Tunisia sẽ nóng thêm trong những ngày tới. Nguy cơ khả năng xảy ra một cuộc cách mạng thứ hai ở quốc gia Bắc Phi này là điều mà giới phân tích không loại trừ./.

Phản hồi

Các tin/bài khác