Tuyên bố thành lập “Khu Tây Sa”, “Khu Nam Sa” của Trung Quốc là vô giá trị

(VOV5) - Việt Nam đã có chủ quyền lâu đời trên hai quần đảo này và được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý.

Mới đây, Trung Quốc gia tăng các hành động đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông khi ngang nhiên phê chuẩn thành lập 2 huyện quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại xu thế hòa bình, hợp tác giữa các quốc gia và làm xấu đi nghiêm trọng hình ảnh một nước lớn trong khu vực.

Tuyên bố thành lập “Khu Tây Sa”, “Khu Nam Sa” của Trung Quốc là vô giá trị - ảnh 1

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. - Ảnh: CSIS/AMTI

Điều đáng nói là trong lúc cả thế giới đang gồng mình chống dịch Covid-19, chung tay hợp tác để đẩy lùi đại dịch, thì Trung Quốc, một quốc gia được coi là cường quốc trong khu vực và trên thế giới, lại có cách hành xử vô cùng thiếu trách nhiệm, lợi dụng cơ hội này để gây mất ổn định trong khu vực.

Liên tục các hành vi vi phạm

Chỉ tính riêng trong năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vùng biển của Việt Nam hơn 100 ngày. Trong năm này, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Malaysia, Philippines. Chưa hết, cuối 2019 đầu 2020, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Indonesia.

Đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam. Và ngày 18/4, nước này lại có hành động vi phạm chủ quyền của các nước khi Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên thông báo Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là "Khu Tây Sa" và "Khu Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam.

Tuyên bố thành lập “Khu Tây Sa”, “Khu Nam Sa” của Trung Quốc là vô giá trị - ảnh 2Đá Chữ Thập bị Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông. - Ảnh: CSIS/AMTI

Cũng theo phía Trung Quốc đưa tin thì: Khu Tây Sa quản lý các đảo thuộc quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và Bãi Macclesfield (quần đảo Trung Sa) và vùng nước phụ cận, Trung Quốc đặt cái gọi là "chính quyền khu Tây Sa" đóng tại đảo Phú Lâm, cấu trúc lớn nhất thuộc Hoàng Sa; còn "Khu Nam Sa" "quản lý" các đảo thuộc quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước phụ cận, cái gọi là "chính quyền khu Nam Sa" đóng tại Đá Chữ Thập, một cấu trúc thuộc Trường Sa mà Trung Quốc đã quân sự hoá gần đây.

Các tuyên bố hoàn toàn vô giá trị

Việc tuyên bố các đơn vị hành chính này hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Thứ nhất, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đã nhiều lần Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này. Mới đây nhất, trong Công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 30/3/2020, Chính phủ Việt Nam đã nhắc lại: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Theo đó, Việt Nam đã có chủ quyền lâu đời trên hai quần đảo này và được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý.

Thứ hai, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa là vi phạm luật quốc tế, cụ thể là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Nghị Quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1970 cũng quy định rõ không chấp nhận việc dùng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác. Và vì vậy, cho dù Trung Quốc đang thực tế chiếm đóng các cấu trúc này, nhưng Trung Quốc vẫn không thể có chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này.

Như vậy, việc tuyên bố thành lập chính quyền quản lý các khu vực này của Trung Quốc đi ngược lại luật quốc tế. Hành vi này càng thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc khi đồng loạt triển khai nhiều hành động cả trên thực địa, pháp lý, hành chính. Trung Quốc rõ ràng đang thực thi một chiến lược hung hãn dựa trên việc xâm lấn đất đai và yêu sách hung hăng, bất tuân luật pháp quốc tế. Các hành động vi phạm luật pháp quốc tế này của Trung Quốc đã và đang bị các nước liên quan, cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác