(VOV5) - Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ cho biết, ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022, trong khi nhiều nền kinh tế thế giới và khu vực đối diện với khó khăn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái. Nhận định này một lần nữa được nhấn mạnh trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, được Chính phủ gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, khai mạc ngày 20/10. Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày cũng khẳng định năm 2023, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Công Thương |
Đà phục hồi đồng đều, sức mạnh kinh tế được tăng cường
Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ cho biết, ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Tuy còn 2 tháng nữa mới kết thúc năm 2022 nhưng đến thời điểm này, gần như chắc chắn, sẽ có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đạt và vượt mục tiêu đề ra, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nếu không có những diễn biến quá bất thường, khả năng Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 8% là rất cao. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam".
Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình với các đánh giá của Chính phủ. Theo đó, đà phục hồi tăng trưởng ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ) và “diễn ra khá đồng đều” giữa các địa phương, khi có 44/63 tỉnh, thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 6%. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo. Kết quả này cho thấy sức mạnh kinh tế Việt Nam ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài của nền kinh tế là khá tốt tại thời điểm hiện nay; qua đó, tạo đà cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả giai đoạn kế hoạch 2021 - 2025.
Ứng phó kịp thời, tạo nền tảng cho phát triển
Năm 2023, tình hình quốc tế nói chung và kinh tế thế giới nói riêng sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, đặt ra nhiều thách thức về tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và lựa chọn chính sách đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Việt Nam xác định nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ động thích ứng với tình hình; kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài; giải quyết hài hòa, hợp lý giữa hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô; tăng cường phân tích, dự báo, chủ động các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó với mọi tình huống. Bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, chiến lược, bảo đảm hài hòa giữa các địa phương, vùng, miền".
Việt Nam cũng đẩy mạnh cơ cấu lại nội ngành và giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Theo đó, phát triển mạnh sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo; bảo đảm an ninh năng lượng. Tập trung thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ ứng dụng công nghệ cao.
Để phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế, Chính phủ Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng. Trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc đã có chủ trương đầu tư một số dự án đường sắt đô thị; nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay.
Thành quả kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong 9 tháng qua được nhiều định chế tài chính quốc tế cũng như truyền thông trong và ngoài khu vực ghi nhận.
Nếu thực hiện tốt các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa.