(VOV5) - "Cỗ xe tam mã" gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư cần được phát triển với quy mô lớn hơn
Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Để hoàn thành mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc đến vai trò của "cỗ xe tam mã" gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Tại Hội nghị tổng kết ngành công thương ngày 07/01, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh, 3 nhân tố này cần được phát triển với quy mô lớn hơn để Việt Nam cán đích mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021.
Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 ngành công thương. Ảnh: VGP/Phan Trang.
|
Kinh tế Việt Nam đang chịu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng các giải pháp quyết liệt hơn, đồng bộ hơn đang được triển khai nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.
Những đóng góp quan trọng trong năm 2020
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của cỗ xe tam mã trong năm 2021 bởi năm 2020, 3 mũi nhọn này đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu ước đạt trên 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019, đưa Việt Nam vượt lên là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến. Có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: VGP/Phan Trang
|
Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh đánh giá: “Chúng ta rất vui mừng chứng kiến chúng ta tăng trưởng dương và đạt con số kỷ lục về xuất siêu (19,1 tỷ USD). Đây quả thực là con số vô cùng ấn tượng trong đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Một điểm nữa trong hoạt động xuất nhập khẩu là trong việc tiếp cận và khai thác các cơ hội của các thị trường, đặc biệt là các thị trường mà chúng ta có được các hiệp định thương mại tự do. Ngay cả đối với CPTPP, chúng ta cũng đã chứng kiến có sự tăng trưởng đột biến, và đó chính là những yếu tố đã tạo cho chúng ta cơ hội để tăng trưởng và tăng trưởng bền vững trong cán cân thương mại song phương với các quốc gia này.”
Trong khi đó, tiềm năng của thị trường trong nước là rất lớn với quy mô dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân được cải thiện kéo theo sức tiêu dùng tăng nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước tính đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng (218,3 tỷ USD), tăng 2,6% so với năm 2019. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2020 chiếm tỷ trọng cao nhất, 79% tổng mức và tăng 6,8% so với năm trước; tiếp đến là doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, doanh thu các dịch vụ khác.
Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 ước tính đạt 2.164,5 nghìn tỷ đồng (hơn 93 tỷ USD), tăng 5,7% so với năm trước và bằng 34,4% GDP, bao gồm: vốn khu vực Nhà nước, khu vực ngoài Nhà nước, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Duy trì vai trò của “cỗ xe tam mã” để tăng trưởng năm 2021
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tình hình còn nhiều khó lường, diễn biến mới, bối cảnh đó đặt ra yêu cầu và đòi hỏi mới cho các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế không chỉ là động lực quan trọng, tạo nền tảng vững chắc vĩ mô mà còn đảm bảo việc làm, thu nhập, thực hiện chính sách an sinh xã hội, chống tụt hậu và thu hẹp khoảng cách phát triển. Vì vậy, cỗ xe tam mã gồm đầu tư - tiêu dùng - xuất khẩu cần được vận hành đồng bộ, quyết liệt.
Phát biểu tại buổi tổng kết ngành công thương năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:”Chính phủ tăng lên tăng trưởng 6,5% với động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. “Cỗ xe tam mã” này vẫn tiếp tục phát huy trong năm 2021 với một quy mô lớn hơn. Chính vì vậy, tôi đề nghị tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn năm 2020; tổ chức thực hiện tốt phương châm đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển để góp phần quan trọng vào phát triển đất nước.”
Trên tinh thần ấy, Thủ tướng chỉ đạo bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới theo hướng bền vững; huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước; Triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các Hiệp định thương mại tự do mang lại; Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản....
Về phần mình, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ thể chế, chính sách, tiếp tục phát triển hạ tầng then chốt nhất là phát triển hạ tầng logistics, đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia... Những việc làm trên sẽ góp phần thực hiện quyết tâm xây dựng một Việt Nam hùng cường, phát triển trong thời gian tới.