(VOV5) - Đặc trưng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, nhấn mạnh Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra trong 2 ngày (5 - 6/12), bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Hội nghị được kết nối tới hơn 11.600 điểm cầu, với trên 1.190.000 cán bộ, đảng viên tham dự.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: qdnd.vn |
Những chuyên đề được trình bày tại Hội nghị làm rõ nhiều định hướng quan trọng về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
2 trong số 4 chuyên đề được báo cáo tại Hội nghị lần này là Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phan Đình Trạc, giới thiệu nghị quyết tại hội nghị. Ảnh: VOV |
Lần đầu tiên, Đảng xác định thống nhất, đầy đủ, rõ ràng về 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Báo cáo trước hội nghị về những nội dung cơ bản của Nghị quyết “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Nghị quyết là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị, hướng đến thể chế hoá đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: qdnd.vn |
Theo ông Phan Đình Trạc, quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam được bắt đầu từ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 và Hiến pháp năm 1946. Đảng cộng sản Việt Nam đã từng bước nhận thức, hình thành hệ thống các quan điểm ngày càng đầy đủ về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo kinh nghiệm trên thế giới; sát với đòi hỏi của thực tiễn.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh đây là lần đầu tiên, Đảng cộng sản Việt Nam xác định thống nhất, đầy đủ, rõ ràng về 8 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong một Nghị quyết của Trung ương. Trong đó, đặc trưng riêng có là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu lịch sử, quy luật của xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhân tố bảo đảm bản chất, sự thành công của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đặc trưng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, nhấn mạnh Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam lấy con người làm trung tâm, bảo đảm quyền con người và phát triển con người toàn diện; mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị
Trình bày báo cáo chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, Trưởng ban tổ chức TW Trương Thị Mai nhấn mạnh: tại Đại hội XIII, việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, như: đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Ðảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Đáng chú ý, trong giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Ðảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sửa đổi chính sách, pháp luật để liên thông cán bộ từ cấp xã tới cấp huyện, cấp tỉnh. Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Các cấp cũng tổ chức thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.
Quá trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Việc Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn tới, cũng như việc bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam sẽ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Ðảng trong giai đoạn mới, góp phần bảo đảm kỷ cương, củng cố niềm tin của cán bộ, Nhân dân đối với Ðảng và chế độ.