Vẫn chưa thấy mùa xuân Ả Rập

(VOV5)- 5 năm trước, vào những ngày trung tuần tháng 1/2011, cuộc cách mạng đòi dân chủ nổ ra ở một loạt các quốc gia Bắc Phi - Trung Đông với tên gọi mỹ miều“Mùa xuân Ả Rập”. 5 năm qua, những bất ổn chính trị ở Bắc Phi - Trung Đông vẫn chưa thể đi vào hồi kết. Những tàn dư mà "mùa xuân" ấy quét qua với làn sóng bạo động, biểu tình lật đổ chế độ đã làm thay đổi sâu sắc toàn bộ khu vực. 


 Vẫn chưa thấy mùa xuân Ả Rập - ảnh 1
Khủng bố IS ngày càng bành trướng tại Trung Đông (Ảnh: Vice)


Cách đây 5 năm, các nước ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông được Mỹ và phương Tây ủng hộ để tiến hành cái gọi là “công cuộc cải cách hướng tới dân chủ” mang tên “Mùa xuân Ả Rập”. Tuy nhiên, 5 năm qua, làn gió mùa xuân ấy chẳng mang đến “hoa thơm trái ngọt” mà trái lại chỉ toàn “hoa độc” và “trái đắng”. Từ những quốc gia đang phát triển bình thường, thậm chí là rất thịnh vượng như Libya, Tunisia hay Syria, thì sau khi trải qua “Mùa xuân Ả Rập”, các nước này đã lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa và an ninh, buộc hàng triệu người dân phải rời bỏ quê hương xứ sử để tìm chốn nương thân.

Cơn địa chấn chính trị

Cuối tháng 12/2010, vụ việc một thanh niên bán hàng rong tự thiêu ở Tunisia để phản đối cảnh sát tịch thu hàng của anh ta đã châm ngòi cho hàng loạt những vụ xuống đường và bạo loạn trong khắp thế giới Ả Rập. 

Chỉ một tháng sau sự kiện ở Tunisia, làn sóng “Mùa xuân Ả Rập” đã lan rộng sang gần như tất cả 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Bắc Phi – Trung Đông. Cơn địa chấn chính trị - xã hội này đã khiến một loạt chính phủ như Yemen, Libya, Bahrain, tồn tại hàng chục năm bị sụp đổ một cách nhanh chóng. Đặc biệt, phải kể đến chiến dịch không kích Libya của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ lực lượng nổi dậy Libya lật đổ chế độ và giết hại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, cái chết của nhà lãnh đạo M.Gaddafi vẫn chưa phải là hồi kết cho những bất ổn ở khu vực này. Sự thay đổi thể chế ở các quốc gia khiến kinh tế ở những nước này ngưng trệ, nội bộ xã hội bị phân hóa, đấu tranh quyền lực vẫn rất quyết liệt. Tại Syria, cơn địa chấn bất ổn, dù không lật đổ được thể chế của Tổng thống Bashar Al Assad, song cũng khiến nước này lâm vào cuộc nội chiến toàn diện. Áp lực của lực lượng chống đối và sức ép bên ngoài ngày càng lớn khiến 5 năm qua, tình hình càng thêm rối ren và chưa có được giải pháp hữu hiệu. 

Một thời kỳ lịch sử mới đã mở ra ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi nhưng nền dân chủ thực sự vẫn còn xa. Ước mong về một chế độ tự do dân chủ lúc đầu không những không thành hiện thực mà những giá trị căn bản như quyền được sống trong hoà bình cũng nhanh chóng tan theo làn thuốc súng. 

Hoa độc và trái đắng

"Mùa xuân Ả Rập" đã mở ra một thời kỳ mới đầy biến động cho khu vực. Nó đã làm thay đổi tương quan lực lượng, định hình lại địa chính trị khu vực Bắc Phi - Trung Đông. Biểu tình, bạo động để lật đổ chế độ dưới sự can dự mạnh mẽ, sâu rộng từ bên ngoài khiến khu vực vốn giàu tài nguyên này không bình yên, phục vụ cho những toan tính riêng rẽ. Nạn nhân của tình trạng này, không ai khác chính là những thường dân vô tội. 

Ở Syria, cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua đã khiến hơn 250.000 người thiệt mạng. Cuộc nội chiến tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, với hàng triệu người phải bỏ nhà cửa, chạy nạn tới châu Âu. Nội chiến cũng khiến Syria là mảnh đất màu mỡ cho khủng bố. Tại Yemen, mâu thuẫn chính trị, tôn giáo và sắc tộc biến thành cuộc xung đột giữa các bộ lạc. Xung đột triền miên đẩy người  dân Yemen vào cảnh sống nhờ viện trợ từ nước ngoài. Còn tại Ai Cập, quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập, kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, đến nay, dù bức tranh chính trị, kinh tế, xã hội dần dần được hé sáng, nhưng đất nước Kim Tự Tháp hiện vẫn đối mặt với không ít thách thức sau thời gian dài rơi vào khủng hoảng. Đó là tình trạng giá lương thực và thuế tăng cao, thâm hụt ngân sách, tỷ lệ thất nghiệp không nhỏ khi 44% số sinh viên mới tốt nghiệp chưa có việc làm. Libya, sau nhiều năm rơi vào cảnh nội chiến, dù chính phủ đoàn kết được thành lập, nhưng cuộc nội chiến bắt nguồn từ “Mùa xuân Ả Rập” đã tàn phá đất nước này. Tệ hơn, một phần lãnh thổ của quốc gia Bắc Phi này giờ đây nằm dưới sự kiểm soát của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chỉ có Tunisia, nơi “Mùa xuân Ả Rập” bắt đầu, là không bị cuốn vào vòng xoáy của xung đột. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đang phải đối diện với thách thức nghiêm trọng về an ninh với các vụ tấn công khủng bố. Tunisia cũng là quốc gia đóng góp số lượng đông đảo nhất các chiến binh cho IS. 

5 năm qua là một chặng đường đầy chông gai đối với khu vực Bắc Phi - Trung Đông. Tự do, dân chủ chưa thấy đâu nhưng bất ổn chính trị, xung đột dẫn đến đổ máu, đói nghèo, lạc hậu, vẫn đang hiện hữu trên các quốc gia này. Sau những sóng gió, điều mà người dân Bắc Phi - Trung Đông mong mỏi chính là chấm dứt rối ren, bất ổn để phát triển kinh tế. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác