Vấn đề Biển Đông trên diễn đàn ASEAN

(VOV5) - Triết lý của ASEAN là luôn giữ đúng giá trị đoàn kết, tự lực tự cường, vốn là những nền tảng đem lại sự thành công cho ASEAN hơn nửa thế kỷ tồn tại.

Hội nghị cấp cao ASEAN 35 vừa kết thúc sau 3 ngày họp tại Bangkok, Thái Lan. Một chủ đề lớn thu hút sự quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực tại Hội nghị lần này là vấn đề Biển Đông và tiến triển của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa có hàng loạt hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, Hội nghị lần này tiếp tục khẳng định triết lý của ASEAN là luôn giữ đúng giá trị đoàn kết, tự lực tự cường, vốn là những nền tảng đem lại sự thành công cho ASEAN hơn nửa thế kỷ tồn tại.

Vấn đề Biển Đông trên diễn đàn ASEAN  - ảnh 1 Quang cảnh phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo tinh thần mà Hội nghị cấp cao ASEAN 35 tại Bangkok truyền tải, đó là củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác của ASEAN, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực. Trong đó, sự ổn định ở Biển Đông là điều kiện tiên quyết để ASEAN phát triển.

Hòa bình, ổn định ở Biển Đông là quan tâm chung và lợi ích chung

Từ lâu, vấn đề biển Đông trở thành mối quan tâm hàng đầu tại các hội nghị cấp cao thường niên của ASEAN. Vốn là khu vực quan trọng, cửa ngõ thông thương, hàng hải quốc tế, biển Đông thời gian qua chứng kiến những diễn biến phức tạp, trong đó có những hành động gây căng thẳng, hay xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực. Gần đây nhất, Trung Quốc liên tục có những hành vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam được thừa nhận theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Trong đó đặc biệt là việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), vùng thềm lục địa của Việt Nam thuộc khu vực bãi Tư Chính ở phía nam biển Đông suốt từ đầu tháng 7 tới tháng 10 vừa qua.

Những hành vi của Trung Quốc đã gây căng thẳng, tạo mối đe dọa đối với tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông - tuyến vận tải biển huyết mạch quan trọng hàng đầu, đồng thời đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Điều đó có thể thấy rất rõ qua những phát biểu cùng mối lo ngại sâu sắc của chính giới và dư luận khu vực và quốc tế thời gian vừa qua. Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại đây là quan tâm chung và lợi ích chung của khu vực và ASEAN. Không chỉ ASEAN, các nước đối tác ngoài khu vực cũng đóng góp xây dựng và trách nhiệm vào mục tiêu này.

Trong tất cả các phiên họp của Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và các hội nghị liên quan, vùng biển chiến lược trọng yếu hàng đầu của khu vực và thế giới này liên tục được các nhà lãnh đạo ASEAN đề cập. Đáng chú ý, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị lần này khẳng định Trung Quốc sẵn sàng đàm phán và tiến tới ký kết với ASEAN Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) vào năm 2021. 

Vấn đề Biển Đông trên diễn đàn ASEAN  - ảnh 2 Thủ tướng dự phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhận thức chung sẽ đi đến nỗ lực chung

Từ lâu ASEAN đã bàn và có nhiều tuyên bố quan trọng về Biển Đông. Các quan điểm và tuyên bố của ASEAN được các nước và các đối tác ủng hộ mạnh mẽ. Đó là hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông phải gắn liền với môi trường hoà bình và phát triển ở khu vực. Mọi vấn đề phát sinh ở biển Đông đều phải được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS, cũng như các nguyên tắc của ASEAN. Đây là vấn đề của chung ASEAN và khu vực và đây cũng là nhận thức chung, trách nhiệm chung của ASEAN. Thực tế, thời gian qua, khi có vấn đề nảy sinh cũng có nước này nước khác có thể có ý kiến khác nhau, nhưng rồi ASEAN cũng dựa trên các nguyên tắc, quan điểm chung đã có để xử lý, từ đó xây dựng lập trường chung.

Sau 52 năm hình thành và phát triển, không thể phủ nhận ASEAN ngày càng trở thành đối tác quan trọng của nhiều cường quốc lớn. ASEAN cũng là cầu nối của nhiều diễn đàn ở khu vực và thế giới. Do đó, ASEAN hơn lúc nào hết nhận thức được vai trò của mình trong việc đảm bao an ninh hòa bình ở khu vực. Dù thế nào đi nữa ASEAN vẫn phải giữ đúng giá trị đoàn kết, tự lực tự cường và đóng vai trò trung tâm trong các sáng kiến định hình khu vực, vốn là những nền tảng đem lại sự thành công cho ASEAN hơn nửa thế kỷ tồn tại.

Nhìn nhận rõ những nguy cơ, thách thức, đồng thời tìm kiếm tiếng nói chung, giải pháp để giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên biển Đông là mối quan tâm chung của ASEAN bởi hòa bình, an ninh và ổn định trên biển Đông đều có lợi ích liên quan mật thiết với tất cả các quốc gia thành viên. Tìm được tiếng nói chung, tạo sự đồng thuận và đoàn kết trong ASEAN là nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên sức mạnh để đáp trả, ngăn ngừa các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền các bên liên quan ở biển Đông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác