Việt Nam chủ động bước vào thời kỳ phục hồi hệ sinh thái

(VOV5) -  Phải có sự kết hợp giữa các quốc gia, trong đó có Việt Nam và các nước trên thế giới để bảo tồn đa dạng sinh học.

Bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Đây là thông điệp cũng là quyết tâm mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc cũng như nhiều quốc gia hiện nay trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và đảo ngược sự tàn phá không gian tự nhiên. Là một quốc gia chịu tác động nhiều của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang tích cực tiến hành những hành động thiết thực bảo vệ hệ sinh thái, trước tiên là chủ động đóng góp thực hiện các mục tiêu chung của thế giới về bảo tồn đa dạng sinh học.

Việt Nam chủ động bước vào thời kỳ phục hồi hệ sinh thái - ảnh 1Ngăn chặn các hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã là một trong những giải pháp góp phần phục hồi hệ sinh thái. - Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+

Theo báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Tổ chức Nông lâm Liên hợp quốc, hệ thống sinh thái thế giới đang đối mặt với nhiều mối đe dọa vô cùng lớn như rừng bị phá, sông, hồ bị ô nhiễm, đất ngập nước và đầm lầy bị khô cạn, khu vực duyên hải và đại dương bị suy thoái và khái thác quá mức…..

Chủ động thực hiện các mục tiêu chung của quốc tế

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp, nhiều loài sinh vật quý hiếm khác cũng đang giảm sút số lượng nghiêm trọng.

Trước thực trạng đó, xác định công tác bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ ở phạm vi riêng lẻ từng quốc gia mà là ở quy mô toàn cầu, Việt Nam đã chủ động thực hiện các mục tiêu chung của quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Sự chủ động này thể hiện thông qua việc xây dựng các cơ chế chính sách mới, triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước bị suy thoái, bảo tồn hiệu quả loài và nguồn gen..

TS Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng: “Đa dạng sinh học của Việt Nam là một phần của đa dạng sinh học trên thế giới. Như vậy phải có sự kết hợp giữa các quốc gia, trong đó có Việt Nam và các nước trên thế giới để bảo tồn đa dạng sinh học. Cái thứ 2 nữa phải có sự chung tay của các bên cả tổ chức quốc tế, cộng đồng, người dân, cả chính quyền các nhà khoa học, các bên liên quan. Đồng thời cần có sự kết hợp, phối hợp của các bộ ngành liên quan giữa trung ương và địa phương, kể cả cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp.”

Khởi động thập kỷ phục hồi hệ sinh thái

Thời gian qua, trên cơ sở các định hướng của Công ước đa dạng sinh học mà Việt Nam đã tham gia, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống các cơ quan quản lý, khung chính sách và pháp luật về đa dạng sinh học; hệ thống các khu bảo tồn đã được thành lập; các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm được bảo vệ bằng pháp luật và thông qua các chương trình hành động…Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng và vai trò của đa dạng sinh học đối với cuộc sống và phát triển bền vững đất nước ngày càng được nâng cao.

Việt Nam chủ động bước vào thời kỳ phục hồi hệ sinh thái - ảnh 2oọc sinh sống tại bán đảo Sơn Trà, TP Ðà Nẵng - Ảnh: Báo Nhân dân

Năm 2021 đánh dấu sự khởi động của Liên Hợp quốc về Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021 – 2030), cũng là thời hạn cuối cùng của các mục tiêu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Hướng ứng mục tiêu này của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và định hướng đến năm 2040, trong đó có nội dung xây dựng hệ thống chính sách và pháp lý đồng bộ cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, cho biết: “Trong quá trình chuẩn bị này thì sẽ xem xét những yêu cầu của khung toàn cầu về đa dạng sinh học 2030 để cụ thể hóa ra những ưu tiên những hành động phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Qua đó, ngoài việc bảo tồn đa dạng sinh học, những giá trị của thiên nhiên Việt Nam thì cũng đóng góp chung cho việc thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn cầu.”

Có thể nói, đa dạng sinh học của các hệ sinh thái đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Trong đó, Việt Nam đang nỗ lực quản lý, giám sát để sử dụng một cách hiệu quả, bền vững.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác