Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu năm 2016

(VOV5) - Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). Chiến lược BĐKH quốc gia đã và đang nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ dài hạn mạnh mẽ của các nhà tài trợ quốc tế và nhiều dự án liên quan đến BĐKH được triển khai tại Việt Nam. Năm 2016, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BĐKH tiếp tục đẩy mạnh, tạo động lực tích cực cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững.

Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu năm 2016 - ảnh 1
Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển (Ảnh: nhandan.com.vn)


Thời gian qua, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về BĐKH và các chiến lược Tăng trưởng xanh; Phòng, chống thiên tai, Phát triển năng lượng tái tạo...với nhiều chương trình, dự án thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trong quá trình đó, Việt Nam nhận được những hỗ trợ tích cực từ cộng đồng quốc tế.


Cam
kết hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế


Năm 2016, Việt Nam tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BĐKH, môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và quản lý đất đai. Kết quả là đại diện nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.  Khi đến những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì hạn mặn tại Bến Tre, hồi tháng 5/2016,  Phó tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Jan Eliasson, khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn bằng những kế hoạch cụ thể. Liên hợp quốc dự kiến vận động cộng đồng quốc tế số tiền khoảng 50 triệu USD để hỗ trợ cho các quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi hạn mặn trong đó có Việt Nam. Cao ủy về Môi trường của Liên minh châu Âu Karmenu Vella trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 11/2016, cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý môi trường biển, khai thác năng lượng từ biển, hỗ trợ, chia sẻ thông tin nghiên cứu về biển. Cũng trong năm 2016, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản tín dụng 310 triệu USD giúp Việt Nam nâng cao sức chống chọi với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm sinh kế cho 1,2 triệu người dân sinh sống tại 9 tỉnh vùng ĐBSCL.


Triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ


Cùng với những cam kết của cộng đồng quốc tế, năm 2016, nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả. Công trình nâng cấp đê ngăn mặn kết hợp với đường giao thông tránh bão lũ dài 1,6 km xây dựng tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đã ngăn chặn triệt để tình trạng xâm nhập mặn ở địa phương. Trong khi đó, thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phối hợp với các địa phương ven biển xây dựng nhà đa năng phục vụ người dân ở những vùng thường xuyên bị thiên tai và công trình cấp nước ngọt ở những nơi có mức độ nhiễm mặn cao...Bên cạnh các quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Ngân hàng Phát triển châu Á là một trong số những đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực BĐKH; với các dự án tập trung vào việc giúp Việt Nam xây dựng cơ chế chính sách, cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm phát thải khí nhà kính và trồng rừng.


Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu năm 2016 - ảnh 2
Các tình nguyện viên trồng cây ngập mặn tại khu hang Đầu Gỗ - Quảng Ninh (Ảnh: baogiaothong.vn)


Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho biết: "ADB đang triển khai Dự án Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong đó có Việt Nam. Dự án hướng đến việc cải thiện hệ thống tưới tiêu và quản lý nguồn nước, giúp nâng cao khả năng kiểm soát hạn mặn và lũ lụt".


Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết: "
Chính phủ đã huy động các tổ chức, các quốc gia khác tham gia chống biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long như Hà Lan. Chúng ta đã xây dựng được một kế hoạch ở châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có những thay đổi rất cơ bản đối với việc phát triển của khu vực này trong tương lai. Thủ tướng cũng đã chính thức phê duyệt chương trình, mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh, kèm theo đó là thúc đẩy huy động một nguồn lực hợp tác rất lớn đối với các đối tác phát triển để thực hiện chương trình hỗ trợ".


Biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với các quốc gia trên thế giới cũng như đối với Việt Nam. Vì vậy để ứng phó, cần huy động nguồn lực tổng thể và có sự hợp tác trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó tăng cường liên kết giữa các bên liên quan và thay đổi cách tiếp cận chuyển từ quản lý biến đổi khí hậu sang quản lý rủi ro thiên tai, Bà Louise Chamberlain, Quyền trưởng Đại diện Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng: "
Các rủi ro, cực đoan của biến đổi khí hậu gây ra cần được tính toán trong các chính sách, chương trình của ngành nông nghiệp, đồng thời điều chỉnh thiết kế các chương trình để thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc đã và đang triển khai lồng ghép quản lý các rủi ro về khí hậu, thiên tai vào các chính sách, chương trình trong các ngành, trong đó có ngành nông nghiệp; thiết kế các chương trình quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng, giảm phát thải ở cộng đồng ven biển".


Năm 2016 là năm điển hình Việt Nam phải đối phó với nhiều loại hình cực đoan của thời tiết. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn và cực đoan hơn so với kịch bản đã công bố năm 2012. Với mức độ ảnh hưởng như hiện nay, vào năm 2030, tổn thất do thiên tai gây ra cho Việt Nam có thể lên đến 3-5% GDP. Vì vậy, việc chủ động huy động, đa dạng hóa nguồn lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ đóng góp chung cùng với các quốc gia nhằm giải quyết một vấn đề toàn cầu mà còn có ý nghĩa quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác