Việt Nam đã và đang đóng góp vào nỗ lực toàn cầu đẩy lùi tham nhũng

(VOV5) -  Bước ngoặt lớn nhất trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tháng 2-2013)

Nạn tham nhũng tồn tại ở nhiều quốc gia và nền kinh tế thế giới, bao gồm cả các quốc gia, các nền kinh tế phát triển và các quốc gia, các nền kinh tế kém phát triển. Do đó, cần có sự chung tay hành động, hợp sức cùng đấu tranh của cộng đồng quốc tế đối với hiểm họa toàn cầu này. Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện quyết liệt kể từ khi Việt Nam ký kết Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng ngày 09/12/2003 đến nay.

Nạn tham nhũng từ lâu đã được Đảng cộng sản Việt Nam chỉ rõ là “nội xâm”, một trong những nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước. Phòng, chống tham nhũng luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước lâu nay. Đặc biệt, từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng (tháng 1-2016), công cuộc phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Nỗ lực này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong bối cảnh phần lớn các nước dù cố gắng, nhưng ít có tiến bộ trong việc giảm thiểu vấn nạn tham nhũng.

Việt Nam đã và đang đóng góp vào nỗ lực toàn cầu đẩy lùi tham nhũng - ảnh 1Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Nguồn: Zing.vn

Bước ngoặt lớn nhất trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tháng 2-2013), do Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Với quyết tâm, ý chí mạnh mẽ của người đứng đầu, với chức năng và quyền hạn bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ, công tác phòng, chống tham nhũng có sự đột phá dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo.

Qua sự tham mưu, đề xuất của Ban Chỉ đạo, Trung ương Đảng quyết định chủ trương, định hướng về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp, tổ chức phòng, chống tham nhũng với chế tài đủ mạnh để tạo ra sự chuyển biến trong kết quả. Sự đúng đắn, hiệu quả đã được chứng minh qua kết quả từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay.

Về mặt thể chế, Đảng xác định giải pháp chống tham nhũng phải toàn diện, đồng bộ trong mọi mặt đời sống xã hội, từ hoạt động của các tổ chức Đảng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm.

Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa có hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, khắc phục một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”.

Công tác cán bộ được đổi mới một cách toàn diện; cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt những kết quả tích cực. Đồng thời, xây dựng, sửa đổi, ban hành các quy định tạo cơ chế, điều kiện rộng rãi, thuận lợi nhằm động viên toàn xã hội, toàn dân tham gia chống tham nhũng.

Về mặt tổ chức thực hiện, các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được củng cố về bộ máy tổ chức, phân định rõ ràng về chức trách, quyết liệt, chặt chẽ trong thực thi nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương với cách làm việc quyết liệt, công phu, công minh trực tiếp làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm.

Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, tăng hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Không chỉ nỗ lực thực thi Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc, Việt Nam còn tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực trao đổi, học tập kinh nghiệm, hợp tác phòng, chống tham nhũng với nhiều nước trong APEC, ASEAN, châu Âu, các tổ chức quốc tế… để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, đóng góp tích cực vào nỗ lực phòng chống tham nhũng trên toàn cầu.

Nhiều giải pháp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và học hỏi để vận dụng. "Với những nỗ lực to lớn, năm 2020, Việt Nam đạt 36/100 điểm, xếp thứ 104/180 trong bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) toàn cầu của Tổ chức Minh bạch thế giới (TI). Đây là sự ghi nhận của quốc tế trước các nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh phần lớn các nước trong nhóm đứng đầu bị giảm điểm; nhiều nước ASEAN bị tụt hạng". Trước đó, đề cập cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam, giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nhận định: "Đây không chỉ là xử lý một nhóm các quan chức có sai phạm, mà còn giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống quản trị, pháp quyền". Đồng quan điểm này, giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) cho rằng, rõ ràng là mọi chuyện đã có chuyển biến khi luật pháp phòng chống tham nhũng của Việt Nam nghiêm minh hơn. Hiện giới đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng Việt Nam đang quyết tâm đẩy mạnh chống tham nhũng, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, không còn nhũng nhiễu, hối lộ. Ông Miguel Chanco, chuyên gia ASEAN của tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (Anh) thì cho rằng:" Đầu tư nước ngoài và các hạng mục đầu tư vẫn tiếp tục ở mức mạnh và ổn định kể từ đầu năm 2016, thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng".

Kết quả tích cực cùng sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế là động lực để Việt Nam thực thi tốt hơn công cuộc phòng, chống tham nhũng trong tương lai và đóng góp hiệu quả hơn vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đẩy lùi tệ tham nhũng trên toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác