Việt Nam nỗ lực đóng góp xây dựng Cộng đồng an ninh-chính trị ASEAN

(VOV5)- Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN là trụ cột có vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị khu vực diễn biến phức tạp, nhất là căng thẳng trên Biển Đông.

Việt Nam nỗ lực đóng góp xây dựng Cộng đồng an ninh-chính trị ASEAN - ảnh 1

ASEAN đang hướng tới dấu mốc mới, có ý nghĩa lịch sử trọng đại, với việc chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 tới. Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN là trụ cột có vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị khu vực diễn biến phức tạp, nhất là căng thẳng trên Biển Đông. ASEAN đang củng cố sự đoàn kết nâng cao vai trò trung tâm cũng như vị thế của ASEAN trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực đóng góp cho tiến trình này. 


Việc xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh nhằm mục tiêu nâng cao hợp tác chính trị, an ninh giữa các nước thành viên, với sự tham gia và đóng góp của các đối tác bên ngoài, nhằm bảo đảm cho các nước ASEAN chung sống hòa bình với công bằng, dân chủ và hòa hợp. Cộng đồng Chính trị-An ninh thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về an ninh, gồm cả các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường; tăng cường hợp tác chính trị, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung; thúc đẩy xu hướng không sử dụng vũ lực và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; ngăn ngừa và giải quyết xung đột; mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.


Vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực
Sau gần 43 năm, ASEAN đã chuyển hóa căn bản về chất, thành viên, hình thức và nội dung hợp tác, đến nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực, tạo điều kiện để các nước thành viên mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. Hiện nay, vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực ngày càng lớn. Hợp tác ASEAN hiện không chỉ bó hẹp giữa 10 nước thành viên và trong phạm vi khu vực Đông Nam Á, mà gồm cả các tiến trình do ASEAN giữ vai trò chủ đạo gồm: ASEAN+1, ASEAN+3, EAS và ARF…


Tuy nhiên, ASEAN đang đối mặt với không ít thách thức, trong đó nổi bật là những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Điều này càng đặt ASEAN vào thế chủ động tăng cường hợp tác khu vực, sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông COC, tôn trọng luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình, an ninh trong khu vực. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 mới đây, Thủ tướng Thủ tướng Malaysia Najib Tun Abdul Razak, Chủ tịch ASEAN 2015 một lần nữa nhấn mạnh đến sự đoàn kết của ASEAN trong việc giải quyết những thách thức an ninh đang nổi lên trong khu vực: Trong khi chúng ta tiếp tục cam kết gắn bó với nhau và cùng hợp tác với các nước bên ngoài, thì ASEAN cũng cần giải quyết những khác biệt trong khu vực một cách hòa bình, trong đó có cả các tuyên bố chủ quyền trên những vùng biển chồng lấn mà không làm gia tăng căng thẳng. Những diễn biến gần đây đã làm gia tăng sự quan ngại về vấn đề Biển Đông đã cho thấy tầm quan trọng của tuyến vận tải này đối với giao thương quốc tế. Do vậy, ASEAN phải chủ động giải quyết những diễn biến này, nhưng phải theo cách xây dựng và tích cực trên cở sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 phải là nền tảng, quy tắc về hợp tác và hoạt động trên Biển Đông. 

Việt Nam nỗ lực đóng góp xây dựng Cộng đồng an ninh-chính trị ASEAN - ảnh 2
ASEAN quyết tâm hình thành cộng đồng vào cuối năm 2015

Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN
Là bộ phận gắn bó khăng khít, một thành viên có trách nhiệm trong ASEAN gần 20 năm qua, tương lai phát triển của Việt Nam sẽ tiếp tục gắn với ASEAN. Một cộng đồng ASEAN vững mạnh, liên kết chặt chẽ chính là ưu tiên và lợi ích mà Việt Nam theo đuổi. 


Trước những hoạt động tôn tạo, bồi đắp quy mô lớn ở Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin, sự tin cậy giữa các nước liên quan, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trong khu vực, là một nước trực tiếp có liên quan đến những tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết trong ASEAN, kiên trì tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN mới đây cho biết: Các nước ASEAN thống nhất cao là cần phải đẩy nhanh tiến trình đi đến xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc. COC sẽ là một công cụ để đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải cũng như ổn định tại khu vực Biển Đông. Đây không chỉ là mối quan tâm chung của Việt Nam, các nước trong khu vực mà cả các nước bên ngoài khu vực. Là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã đưa ra những đề xuất, trong đó có những đề xuất liên quan đến xây dựng lòng tin, đưa những chuẩn mực của ASEAN như Tuyên bố về Hiệp ước thân thiện ASEAN không chỉ các nước ASEAN mà còn là chuẩn mực của toàn khu vực với mục tiêu xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định sau năm 2015.


ASEAN đang tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm và đóng góp tích cực của mình cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực. Việt Nam đang cùng các nước thành viên ASEAN, đẩy mạnh đoàn kết, tăng cường hợp tác để hiện thực hoá thành công tầm nhìn về một cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị liên kết về kinh tế và có trách nhiệm xã hội”, nơi người dân các quốc gia thành viên được “sống trong hoà bình, an ninh và ồn định bền vững, tăng trưởng kinh tế lâu dài, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội”./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác