Việt Nam nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020

(VOV5) - 8/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 dự kiến sẽ đạt hoặc vượt kế hoạch, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2020 thặng dư gần 17 tỷ USD, dự trữ ngoại hối hiện lên tới gần 100 tỷ USD.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV dành 3 ngày (3 đến 5/11) để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021, mục tiêu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, các đại biểu Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam (phòng chống dịch COVID - 19 và phát triển kinh tế) là rất đáng ghi nhận. Dự kiến mức tăng trưởng dương trong năm 2020 là con số ấn tượng trong bối cảnh đặc biệt của năm COVID - 19. 

Việt Nam nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 - ảnh 1 Toàn cảnh Phiên họp chiều ngày 3/11. – Nguồn: quochoi.vn

Năm 2020 là một năm khó khăn chồng chất khi Việt Nam chịu tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 cùng với thảm họa thiên tai phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Quốc hội và Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam hiện tại đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả khả quan, được quốc tế ghi nhận.

Nhiều điểm sáng

8/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 dự kiến sẽ đạt hoặc vượt kế hoạch, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2020 thặng dư gần 17 tỷ USD, dự trữ ngoại hối hiện lên tới gần 100 tỷ USD…là những điểm sáng được các đại biểu Quốc hội ghi nhận. Đáng chú ý, khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế khi giá trị xuất khẩu ước đạt 41 tỷ USD. Đó là những yếu tố thuận lợi để phục hồi và phát triển kinh tế, làm tiền đề bước vào kế hoạch 5 năm gia đoạn 2021- 2025. Ngoài ra sự chỉ đạo, của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là điểm nhấn đáng chú ý.

Việt Nam nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 - ảnh 2 Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu trong phiên thảo luận. Nguồn: baochinhphu.vn

Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, nêu ý kiến: "Chính phủ phát động thành công 3 đợt sóng cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con, cắt giảm và đơn giản hóa 60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành và hiện nay đang tiếp tục cắt giảm đơn giản hóa 20% các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh. Chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo được đẩy mạnh, hành trình xây dựng Chính phủ điện tử được tăng tốc. Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và có trách nhiệm hơn.

Về đảm bảo an sinh xã hội, các đại biểu Quốc hội đánh giá nhiều tiêu chí quan trọng như lao động có việc làm, thu nhập, giáo dục…. đạt được những kết quả rất khả quan.

Ông  Võ Đình Tín, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, nhận xét :"Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều cải thiện rõ nét, lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn ngày càng bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm đều qua các năm từ 9,88% cuối năm 2015, giảm còn 3,75% ở cuối năm 2019, bình quân trong bốn năm giảm 1,53%. Từ những kết quả trên cho thấy, đây là những cố gắng lớn của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt là huy động nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm."

Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cho thấy việc song song thực hiện mục tiêu kép vừa chống phòng, dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội là lựa chọn đúng đắn của Chính phủ Việt Nam. Việc Việt Nam tiếp tục triển khai định hướng này trong thời gian tới được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình.

Việt Nam nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 - ảnh 3 Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu trong phiên thảo luận. Nguồn: baochinhphu.vn

Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu: "Dịch bệnh có thể làm phá sản kế hoạch của những nước phát triển nhưng cũng có thể đưa một nước đang phát triển vượt lên nếu có chiến lược hành động đúng đắn. Chúng ta có những giải pháp, kế hoạch hành động khả thi, khoa học trong điều kiện bình thường mới khi dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi đổi mới cách đặt mục tiêu cũng như cơ chế, giải pháp thực hiện. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang thay đổi sức mua, cách thức tiêu thụ, nên Việt Nam phải thích ứng. Trong giai đoạn tới đây, Việt Nam đón đầu tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững và tự chủ."

Một số đại biểu ủng hộ việc Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống COVID-19, bổ sung các kịch bản phát triển khi hết dịch, dịch đang diễn biến như hiện nay và dịch bùng phát trở lại để các bộ ngành, địa phương xây dựng các phương án ứng phó cụ thể, chủ động.

Năm 2020 là năm nhiều biến động đối với Việt Nam và những đối tác của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam khống chế được dịch COVID - 19, đạt mức tăng trưởng dương, và an sinh xã hội được đảm bảo là thành quả mà không nhiều nước đạt được. Những kết quả này là tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng tới những mục tiêu cao hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác