Ngày 29/08, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì Hội nghị trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trực ung ương, 209 quận huyện, thị xã và 1.060 xã phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch.
Đây là Hội nghị trực tuyến có sự tham dự nhiều nhất của lãnh đạo cấp cơ sở trong công tác phòng chống dịch COVID- 19 với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng,chống dịch sau khi Ban chỉ đạo được kiện toàn. Hội nghị đã cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm sớm đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh của Việt Nam.
Gần 200 y bác sĩ thuộc các tỉnh miền Trung đã di chuyển trên chuyến bay số hiệu VN129 của Vietnam Airlines (ngày 27/8), khởi hành từ Đà Nẵng vào Thành phố HCM để hỗ trợ chống dịch cho các tỉnh thành phía Nam. Ảnh: VOV |
Hội nghị trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trực ung ương, 209 quận huyện, thị xã và 1.060 xã phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch diễn ra sau chuyến đi thị sát, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID – 19 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại một số tỉnh, thành phía Nam.
Sự chuyển hướng đúng đắn
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận gần 420 nghìn ca mắc COVID - 19, trong đó 50% ca đã khỏi bệnh, 10.370 ca tử vong. Tuy nhiên việc tăng cường giãn cách trong thời gian qua đã giúp tình hình có những chuyến biến tích cực. Các ca tử vong hiện đang có xu hướng giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp theo phương châm đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất, ngay tại xã phường.
Trong 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, có 6 tỉnh đang kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế gồm: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. 13 tỉnh, thành phố đang có chiều hướng tốt lên. Còn 4 địa bàn là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang mặc dù chưa đạt như mong muốn do nhiều yếu tố nhưng đã và đang nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.
Xác định công tác đảm bảo an sinh xã hội là trọng yếu, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân để yên tâm thực hiện giãn cách. Các địa phương khu vực phía Nam đã hỗ trợ người dân theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ với số kinh phí chiếm 72,5% so với cả nước. Toàn bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 đã ban hành kế hoạch hỗ trợ và bổ sung các nhóm đối tượng với các chính sách riêng, phù hợp với từng địa phương như người lao động bán vé số, xe ôm truyền thống, người buôn bán hàng rong, người làm việc trong các cơ sở kinh doanh không có hợp đồng lao động.
Lực lượng công an Đà Nẵng hỗ trợ mua thực phẩm giúp người dân. Ảnh: VOV |
Phải ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh sớm, nhanh, hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần chung: Việt Nam đã hy sinh về kinh tế - xã hội để thực hiện giãn cách thì phải đạt kết quả chống dịch thành công, phải ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh sớm, nhanh, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng lưu ý giãn cách xã hội là biện pháp chống lây lan dịch bệnh nên phải thực hiện thật nghiêm, thật chặt chẽ, kiểm soát có hiệu quả. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phải thực hiện thần tốc xét nghiệm, tiêm vaccine một cách khoa học, hiệu quả và toàn diện.
Khi thực hiện giãn cách xã hội, người dân sẽ gặp khó khăn về an sinh xã hội, nên các lực lượng phải đảm bảo không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là các gia đình khó khăn về kinh tế, người cơ nhỡ, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đồng thời đảm bảo cho người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhằm phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực ngay tại cơ sở, không để quá tải tuyến trên; điều trị tích cực, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại để giảm ca bệnh nặng, ca tử vong do COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh “lấy xã, phường làm pháo đài thì phải chỉ đạo được đến pháo đài". Ảnh: VOV |
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương phải bảo đảm an dân, trật tự an toàn xã hội. Để làm điều này, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, tôn giáo phải vận động nhân dân chia sẻ, hưởng ứng các biện pháp phòng, chống dịch, phát huy tinh thần "tương thân tương ái", coi đây là quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân, vì sức khỏe của chính mình, vì cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương nghiên cứu di dời những nơi có mật độ dân số quá cao, nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn đến nơi thông thoáng, an toàn, hạn chế lây nhiễm chéo. Tổ chức cung cấp đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân, nhất là đối với các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, dễ lây nhiễm; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; đáp ứng các yêu cầu về y tế nhanh nhất, sớm nhất cho người dân ngay tại cơ sở; tổ chức xét nghiệm, phân loại ngay từ đầu; tổ chức tiêm vắc xin ngay tại xã, phường theo hướng dẫn để đạt an toàn, hiệu quả...
Các xã, phường, thị trấn phải lập các đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ và phổ biến tới mọi người dân được biết để liên hệ khi cần. Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, động viên, chăm sóc đời sống tinh thần cho nhân dân.
Xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường của dịch COVID - 19, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải thích ứng và có cách làm phù hợp. Việc thống nhất ý chí từ Trung ương đến địa phương, sự chỉ đạo xuyên suốt, sát sao của các cấp có thẩm quyền sẽ từng bước giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh.